【bongda.tivi】Không kiểm soát chặt, vốn ngân hàng cũng có thể thành tín dụng đen
Khó tiếp cận vốn chính thống
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Phải làm sao cho người dân được tiếp cận càng nhiều nguồn vốn chính thức bao nhiêu thì càng ít tiếp xúc với tín dụng đen bấy nhiều. Đây là trách nhiệm, là mục tiêu đặt ra của ngành ngân hàng. |
Những con số được các cơ quan chức năng nêu ra tại hội nghị cho thấy thực trạng tín dụng đen đang là vấn đề đáng báo động. Ông Phạm Huyền Anh, Phó chánh Thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, 4 năm trở lại đây, trên cả nước đã xảy ra 7.624 vụ phạm tội liên quan tín dụng đen, với 56 vụ giết người, 398 vụ cố ý gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ tước đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo và 81 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Trong đó có 176 vụ lừa đảo lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao với số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng, vỡ nợ dây chuyền. Hiện nay lực lượng Cảnh sát Hình sự đang quản lý, theo dõi 124 băng nhóm với 831 đối tượng hoạt động có tổ chức cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê. Thông tin thêm về thực trạng này, ông Phạm Văn Tám - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2018 trên cả nước có 84 vụ giết người, 855 vụ cố ý gây thương tích, 355 vụ cướp tài sản, 1.309 vụ lừa đảo cướp tài sản liên quan tín dụng đen.
Thực trạng tín dụng đen có từ rất lâu, nhiều người ví đây là “cơn bão” càn quét qua các vùng nông thôn, sâu xa, nhưng tại các thành phố, các khu công nghiệp cũng đều có tình trạng này. Đặc biệt, tín dụng đen còn hoạt động tại các vùng được dự kiến lập các đặc khu kinh tế. Hình thức tín dụng đen gắn liền với lãi suất cao và gắn với tội phạm và vi phạm pháp luật, thậm chí gắn với các băng nhóm tội phạm. Các tổ chức, cá nhân này cho vay tiền nhanh và sử dụng các đối tượng xã hội đen để đòi nợ bất hợp pháp, thậm chí giết người, gây rối, đe dọa nhắn tin khủng bố tinh thần. Các đối tượng này lách luật, không bao giờ ghi lãi suất trong các hợp đồng tín dụng, thời hạn áp dụng vay trong ngắn ngày, vay theo ngày, theo tuần.
Về nguyên nhân của tình trạng này, nhiều chuyên gia cho biết, nhu cầu vay vốn của DN, người dân để giải quyết nhu cầu sản xuất, tiêu dùng là rất lớn, trong khi các sản phẩm của ngân hàng và các tổ chức tài chính chưa đáp ứng được, thủ tục chưa thuận tiện để người dân tiếp cận nguồn vốn chính thống này, trong khi các đối tượng cho vay tín dụng đen cho vay dễ, nhanh, không cần tài sản đảm bảo… Công tác tuyên truyền về tín dụng đen cũng như các gói vay của ngân hàng tới người dân là chưa đầy đủ, chế tài, hình phạt cho loại hình này cũng chưa đủ sức răn đe.
Vừa qua, tình trạng tín dụng đen bùng phát với nhiều hệ lụy là vấn đề nóng của xã hội. Mới đây nhất, Công ty Tài chính Nam Long, tổ chức tín dụng "đen" lớn nhất từ trước đến nay đã bị Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp cùng đơn vị liên quan triệt phá thành công. Tổng số tiền mà tổ chức này giao dịch lên tới hơn 510 tỷ đồng.
Theo các chuyên gia, đây là hoạt động ngầm nên quản lý thông tin khó khăn, hầu hết các vụ việc khi đổ vỡ mới được phát hiện. Điều đáng lo ngại là tình trạng này vẫn tồn tại dù đã có nhiều vụ việc được cơ quan Công an phát hiện, điều tra. Cũng theo ông Phạm Huyền Anh, tín dụng đen khi đổ vỡ gây ra hậu quả nghiêm trọng đến xã hội, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản, cơ hội làm ăn, học tâp của người dân. Trong ngành ngân hàng, hiện chưa có vụ việc nào xảy ra nhưng nếu không được kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay của khách hàng vay vốn ngân hàng thì có thể dễ dẫn đến việc khách hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích để cho vay nặng lãi thì sẽ ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Cải tiến thủ tục, đa dạng gói vay
Liên quan đến tín dụng đen trong lĩnh vực cho vay ngang hàng (P2P), ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, ở Việt Nam, gần đây đã xuất hiện một số công ty cung ứng dịch vụ tương tự như mô hình các công ty vận hành P2P Lending trên thế giới. Bên cạnh những công ty hoạt động lành mạnh, thực tế hoạt động của mô hình này trong thời gian qua cho thấy, vẫn còn tồn tại như đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia. Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen “núp bóng” các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được qui định tại Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015... Trước những rủi ro tiềm ẩn đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân, DN nên tìm hiểu kĩ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P Lending và khuyến khích người dân, DN tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngành ngân hàng cũng đã tích cực phối hợp cùng với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Qua tổng hợp báo cáo nhanh của Chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố, ngành Ngân hàng đã phối hợp theo đề nghị của cơ quan Công an, các sở, ban ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố với tổng số tiền là khoảng 117 tỷ đồng. Trong đó, 72 vụ việc đã xử lý, khởi tố 14 vụ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 37 vụ.
Thông tin về giải pháp của ngân hàng nhằm hạn chế tín dụng đen, ông Phạm Toàn Vượng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho biết đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đơn giản hóa thủ tục để các nhu cầu tín dụng được giải quyết ngay. Trong cơ cấu tín dụng hàng năm, ngân hàng dành 10% dành cho vay tiêu dùng, tương đương khoảng 10-20 nghìn tỷ đồng. Năm nay, Agribank có chủ trương dành 12 nghìn tỷ cho đối tượng vay tiêu dùng, trong đó khoảng 5 nghìn tỷ ưu tiên cho đối tượng có nhu cầu cấp bách, chứng minh được nguồn trả nợ trong thời gian ngắn. Ngân hàng sẽ tập trung cải tiến hồ sơ, giải quyết nhanh, đáp ứng nhu cầu cấp bách chính đáng và được pháp luật cho phép của người tiêu dùng.
Đề xuất giải pháp ngăn chặn tín dụng đen, ông Phạm Văn Tám cho rằng, các ngân hàng cần cải tiến thủ tục để người dân được vay vốn của hệ thống ngân hàng thuận lợi, nhất là người dân ở nông thôn, người nghèo. Ông Tám đề nghị, Thống đốc ngân hàng chỉ đạo các ngân hàng trong việc thực hiện giám định lãi suất. Nguyên nhân là do, với một số vụ án cho vay lãi nặng có những địa phương yêu cầu giám định lãi suất nhưng thời gian giám định thường kéo dài. Vụ án Nam Long tại Thanh Hóa phải mất hai tháng nên sau khi có kết luận giám định lãi suất, khi cơ quan Công an có lệnh bắt thì tội phạm đã bỏ trốn.
Tại hội nghị này, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù thời gian qua hệ thống tín dụng đã có nhiều nỗ lực đáp ứng nhu cầu vay vốn nhưng kết quả đạt được chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng cao của người dân. Nhấn mạnh do nhiêu nguyên nhân nên tín dụng đen đang có chiều hướng gia tăng, ông Đào Minh Tú cho rằng, phải làm sao cho người dân được tiếp cận càng nhiều nguồn vốn chính thức bao nhiêu thì càng ít tiếp xúc với tín dụng đen bấy nhiều. Đây là trách nhiệm, là mục tiêu đặt ra của ngành ngân hàng. Ông cũng nhấn mạnh, tới đây ngành ngân hàng cần có giải pháp rút ngắn thời gian cho vay, đa dạng hóa gói vay, đồng thời gia hạn nợ, giãn nợ khi người dân chưa có điều kiện trả nợ với do chính đáng.