Tuy nhiên, do những biến động nhanh về KT-XH và trước yêu cầu ngày càng cao về hiện đại hóa công tác quản lý thuế nên một số quy định của Luật đã bộc lộ những hạn chế, vướng mắc cần phải được sửa đổi, bổ sung.
Đến nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT gửi xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi trình Chính phủ. Với dự thảo này, những điều bất cập trong Luật hiện hành về cơ bản được giải quyết.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm (tháng 5-2013) để lấy ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ sáu (tháng 10-2013). Dự kiến hiệu lực thi hành của Luật từ 1-7-2014.
Ngưỡng không chịu thuế
Một trong những nội dung đang gây khó khăn trong quá trình triển khai là việc xác định ngưỡng không chịu thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh. Hiện nay, tại Khoản 25 Điều 5 Luật thuế GTGT quy định “Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân tháng thấp hơn mức lương tối thiểu chung áp dụng đối với tổ chức, DN trong nước không chịu thuế GTGT”.
Theo phân tích của Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, quy định này thể hiện rõ ràng chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với những hộ cá nhân kinh doanh có thu nhập thấp song việc căn cứ vào thu nhập theo mức lương tối thiểu không phù hợp với đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hóa, dịch vụ.
Mức lương tối thiểu phân loại theo 4 vùng, được điều chỉnh thường xuyên hàng năm với mức tăng nhanh theo lộ trình cải cách tiền lương. Trong khi đó Luật Quản lý thuế quy định người nộp thuế phải tự xác định nghĩa vụ thuế nên các hộ kinh doanh không thể tự xác định được có thuộc đối tượng chịu thuế hay không.
Theo thông lệ quốc tế, hầu hết các nước nếu có quy định ngưỡng không chịu thuế GTGT hoặc ngưỡng kê khai nộp thuế GTGT đều căn cứ theo tiêu chí doanh thu. Để đảm bảo minh bạch, đơn giản, dễ thực hiện, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh quy định này thành “Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu thấp hơn mức do Chính phủ quy định”.
Qua rà soát 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT, Bộ Tài chính bổ sung vào dự thảo thêm một số đối tượng không phải chịu thuế như: Bảo hiểm sức khoẻ, các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, các dịch vụ bảo hiểm nông nghiệp khác, bảo hiểm an ngư; dịch vụ cho vay của NNT không phải là tổ chức tín dụng; bán nợ; kinh doanh ngoại tệ… Đây hầu hết là các nhóm hàng hóa, dịch vụ có tiêu thức xác định không chịu thuế chưa được quy định rõ hoặc theo đối tượng cung cấp nên có nảy sinh vướng mắc trong thực tế.
Duy trì 3 mức thuế suất
Một nội dung được các DN, cá nhân khá quan tâm là việc điều chỉnh thuế suất. Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã nhấn mạnh việc cải cách thuế GTGT là "giảm bớt nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5%" và "nghiên cứu đến năm 2020 áp dụng cơ bản một mức thuế suất".
Theo Vụ Chính sách thuế, việc áp dụng một mức thuế suất sẽ đảm bảo tính hiệu quả và minh bạch của thuế GTGT và thuận lợi trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, trong vài năm tới, bối cảnh KT-XH trong nước và trên thế giới sẽ còn nhiều khó khăn, cần thiết tiếp tục duy trì nhóm thuế suất 5% đối với hàng hóa, dịch vụ là đầu vào của sản xuất nông nghiệp và phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Cụ thể, sản phẩm nông nghiệp vẫn áp dụng không chịu thuế GTGT nên hàng hóa, dịch vụ là đầu vào phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cần tiếp tục duy trì ở mức thuế suất 5% trong một thời gian nữa để giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh. Cân đối với mặt bằng thuế suất chung của thế giới và khu vực, Bộ Tài chính quyết định đề nghị giữ mức thuế suất 10%, chưa thu hẹp nhóm thuế suất 5% mà tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong việc áp dụng mức thuế 0% và 5%.
Về giá tính thuế, theo thông lệ quốc tế, thuế GTGT là loại thuế tiêu dùng tính trên hàng hóa, dịch vụ do người mua phải trả. Do đó, các nước đều quy định giá tính thuế GTGT là giá bán cuối cùng đến tay người mua chưa có thuế GTGT nhưng đã bao gồm các khoản thuế gián thu, phí, phụ thu, trợ giá của Nhà nước.
Tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật thuế Bảo vệ môi trường (BVMT) và có hiệu lực từ 1-1-2012. Với quy định tại Luật này, thuế BVMT cấu thành trong giá vốn hàng hóa của người nộp thuế nên các khâu sau khâu nộp thuế người bán không thể xác định được số thuế BVMT trong giá trị hàng hóa khi bán cho khách hàng, không tách được thuế BVMT khỏi giá tính thuế GTGT.
Do đó, Bộ Tài chính đưa vào dự thảo quy định rõ hơn về giá tính thuế đối với hàng hóa chịu thuế BVMT "là giá bán đã có thuế BVMT nhưng chưa có thuế GTGT; đối với hàng hóa chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT là giá bán đã có thuế Tiêu thụ đặc biệt và thuế BVMT nhưng chưa có thuế GTGT".
Cùng với đó, quy định giá tính thuế đối với hoạt động cho thuê lại thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải trong nước chưa sản xuất được trừ giá đi thuê phải trả cho phía nước ngoài được Bộ Tài chính đề xuất bỏ vì quy định này không còn phù hợp với thực tế hiện nay.
Hồng Vân