(CMO) 5 năm trước, lúc đến Đà Lạt, thấy có loại cây cho trái trĩu cành, được chủ vườn giới thiệu là cây thuốc quý tên gọi là dâu tằm, tò mò pha chút hiếu kỳ, chị Lê Thị Cẩm Bào, ngụ Ấp 2, xã An Xuyên, TP Cà Mau mua hơn 50 cây giống về trồng để dùng như vị thuốc trong gia đình.
Do chưa quen thổ nhưỡng và khí hậu khiến cây dâu “nhót” khá nhiều, hơn 50 cây chỉ còn lại 13 cây, đầu tiên chỉ có 8 cây ra trái. Chị Bào cho biết: “Ban đầu đem về cây chỉ chừng 2 gang tay, 6 tháng sau bắt đầu cho trái, tính ra thời gian cho trái cũng ngắn, nhưng trái đợt đầu không nhiều, phải 1 năm sau mới bắt đầu rộ, lúc đó tha hồ hái”.
Dâu tằm chín mọng nước nên phải thu hoạch nhanh và chủ yếu bằng tay để trái không bị giập. |
Vốn dĩ trồng như một vị thuốc khi cần, ăn chơi khi “buồn miệng”, vậy mà khi đợt trái rộ ăn không hết, chị Bào đem ra chợ Phường 2 bán cũng đắt khách.
Đến nay, vườn dâu tằm của gia đình chị Bào có khoảng hơn 30 cây. Bình quân mỗi năm có 3 đợt trái, mỗi đợt kéo dài hơn 1 tháng. Kích thước cây không lớn, cao ngang đầu người, đôi khi vượt hơn nên rất tiện cho việc hái trái. Theo đó, do là loại trái mọng nước nên việc thu hoạch chủ yếu bằng tay, tránh trái bị giập, nát. Sau mỗi đợt thu hoạch, chị cho cây nghỉ ngơi, sau đó tuốt lá, chặt cành già để trái ra vụ tiếp theo. Hiện nay, dâu tằm tươi được chị bán với giá 100.000 đồng/kg, trái mua về có thể ăn ngay, hoặc dùng làm siro, rượu dâu, mứt dâu hoặc sinh tố...
Chị Bào hớn hở: “Trồng ở xứ mình (Cà Mau) nên trái khác ở Đà Lạt, tuy nhỏ hơn nhưng vị ngọt lắm, ai thích ngọt thì ăn trái chín, còn muốn ăn chua hay chấm muối thì lựa trái “hườm hườm”. Mối mua dâu nhiều lắm, cứ bẻ bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, ai ăn 1 lần sẽ xin số để lưu lại cho lần mua tiếp, trung bình mỗi ngày (vào đợt dâu rộ), tính riêng tiền dâu tôi cũng có 200.000-300.000 đồng đều đều”.
Lại nói về cây dâu tằm, chị Bào tâm sự: “Có khoảng thời gian gia đình bận rộn, tôi không ở nhà, bỏ phế luôn cây dâu cả năm trời nên nó èo ọt tưởng đâu chết rồi, ai dè khi về chăm bón lại thì nó lại xanh tốt như hiện giờ. Có thời gian nhờ cây dâu gia đình tôi mới vượt qua được khó khăn”.
Không biết có phải cái duyên giữa người và dâu tằm hay không nhưng cũng mẻ cây giống đó, chị em trong họ, hàng xóm mua về nhưng trồng không đạt, cây nếu không chết cũng chẳng cho trái. Tính ra, đến thời điểm này vườn dâu tằm của chị là độc nhất vô nhị tại địa phương.
Không chỉ hái trái tươi bán mà từ trái dâu chị Bào còn nghiên cứu ngâm thêm rượu dâu, mật dâu để bán cho khách có nhu cầu, riêng về phần lá dâu có khách thường xuyên hỏi mua với giá cao để làm đẹp, nhưng chị Bào không bán vì “nếu hái lá thì trái sẽ không ra, tính ra tất cả các bộ phận từ rễ, thân, lá, trái của cây dâu tằm đều là vị thuốc và có thể “hái” ra tiền”.
Dâu tằm là loại cây ít bệnh, cho trái nhiều, chăm sóc, bảo dưỡng đơn giản. Tuy nhiên, vì là cây chịu nước nên tới mùa hạn phải tưới mỗi ngày 3 lần, sau đợt trái thì tỉa đi cành già, bón phân. Vì trồng như một vị thuốc nên không dùng thêm các chất diệt côn trùng hay kích trái. Bên cạnh đó, dâu tằm có thể trồng xen kẽ các loại rau màu, cây ăn trái để tăng thu nhập.
Chị Bào chia sẻ, vườn dâu bắt đầu cho thu nhập ổn định, xác định đây là loại cây có thể phát triển lâu dài nên chị tiếp tục nhân rộng thêm để cung ứng đủ cho các đơn đặt hàng./.
Yến Nhi