Báo cáo của UNICEF dựa trên dữ liệu thu thập từ khoảng trên 100 quốc gia trên thế giới, đánh giá về mức độ tiếp cận chung tới mạng Internet, truyền hình và đài phát thanh. Báo cáo cho biết các lệnh phong tỏa hoặc đóng cửa các trường học được áp đặt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới khoảng 1,5 tỷ trẻ em, trong đó có khoảng 463 triệu học sinh thiếu dụng cụ hoặc trang thiết bị điện tử để theo học từ xa.
Bên cạnh đó, ở các khu vực địa lý khác nhau, việc tiếp cận giáo dục từ xa của trẻ em cũng khác nhau. Ví dụ, trẻ em ở châu Âu ít bị ảnh hưởng hơn so với trẻ em ở châu Phi hoặc nhiều vùng ở châu Á. Mặc dù vậy, ngay cả khi những em có điều kiện tiếp cận đầy đủ cũng đối mặt với những trở ngại khác trong việc học từ xa như thiếu không gian hoạt động tại nhà, áp lực làm việc nhà hay thiếu sự hỗ trợ kỹ thuật cần thiết khi máy tính cá nhân gặp sự cố...
Trong số các học sinh trên thế giới không thể tiếp cận giáo dục thực sự, có 67 triệu em ở khu vực Đông và Nam Phi, 54 triệu em ở Tây và Trung Phi, 80 triệu em ở Thái Bình Dương và Đông Á, 37 triệu em ở Trung Đông và Bắc Phi, 147 triệu em ở Nam Á và 13 triệu em ở khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe.
Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nhận định: "Số học sinh bị gián đoạn việc học tập trong những tháng qua là tình trạng báo động về giáo dục toàn cầu. Hậu quả của nó có thể cảm nhận được trong các nền kinh tế và xã hội trong hàng chục năm tới".
Trong bối cảnh năm học mới sắp bắt đầu ở nhiều nước, trong đó có nhiều nước mở cửa lại trường học, UNICEF hối thúc chính phủ các nước "dành ưu tiên cho việc mở cửa lại an toàn các trường học ngay khi các hạn chế được nới lỏng và cần bố trí thời gian để học bù các kiến thức bị thiếu".
Theo TTXVN