【xemlai bong da】Sân trước, sân sau: Thông điệp mạnh mẽ từ cơ quan hành pháp
Lo lắng, trăn trở về tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong các doanh nghiệp Nhà nước, mới đây, tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhắc lại tình trạng sân trước, sân sau – một trong những nguyên nhân làm chậm tiến trình đổi mới, cổ phần hóa trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Chỉ rõ doanh nghiệp không chỉ có hai, ba cái sân sau, mà có anh có tới mười ba, mười bốn, thậm chí là mười lăm, mười sáu cái sân sau, “đừng tưởng Thủ tướng không biết”, người đứng đầu Chính phủ đã chuyển tới các doanh nghiệp thông điệp mạnh mẽ của cơ quan thực hiện quyền hành pháp về quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng, quyết tâm dẹp bỏ tình trạng sân trước, sân sau trong các doanh nghiệp Nhà nước.
Điểm qua một số cái tên lập sân sau gây thất thoát lớn vốn, tài sản của Nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, bán đất vàng với giá như cho không, nên buộc phải thu hồi như Hãng phim truyện Việt Nam, cảng Quy Nhơn, Bóng đèn Điện Quang, Thủ tướng nhấn mạnh đây là khâu cần phải chấn chỉnh, phải kiên quyết xử lý.
Đây không phải lần đầu tiên Thủ tướng bày tỏ sự sốt ruột về tình trạng sân trước, sân sau ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Ngay sau tết nguyên đán Mậu Tuất, đầu tháng 2 năm 2018, khi trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho ông Nguyễn Hoàng Anh, người đứng đầu Chính phủ nhận định, vẫn còn tình trạng sân sau, còn hiện tượng gia đình, bà con thân quen, dòng tộc trong các doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp lập ra các công ty của người nhà, người quen, người cùng cánh hẩu để tham gia các gói thầu cung cấp cho chính doanh nghiệp đó. Đây là một thực tế đang tồn tại mà không khó để nhận biết, không cần nói rõ cũng có thể hiểu.
Sân sau, công ty bình phong phổ biến ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp. Đi đâu cũng gặp sân sau. Có những sân sau được lập ra chỉ với một nhiệm vụ… thắng thầu các dự án đầu tư công để bán lại kiếm lời. Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại chính nhà mình.
Sân sau còn là hiện tượng gửi con cháu, người quen vào làm việc theo kiểu “đánh trống ghi tên” tại các doanh nghiệp mà không cần hùn vốn, góp vốn khiến cho doanh nghiệp không thể phát triển được; có thể kéo dài nhiều năm, qua nhiều vị trí khác nhau, cho đến khi “lộ sáng” thì đã gây thiệt hại vô cùng lớn, như vụ bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai trong thời gian giữ cương vị Giám đốc sở Công thương tỉnh này đã tham gia điều hành công ty sân sau do chồng bà là cổ đông sáng lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Giống như những cái vòi của con bạch tuộc, sân trước sân sau, rồi sân sau của sân sau, đang làm xuất hiện thêm những biến thể mới phức tạp như “sân liền kề”, “sân hàng xóm”, thậm chí xuất hiện cả đại lộ; gây thất thoát lớn vốn, tài sản của nhà nước; trở thành vấn nạn, thành mối đe dọa đối với Đảng, chính quyền và nỗi lo lớn nhất hiện nay của cơ quan hành pháp.
Vì sao hiện tượng sân sau tại các doanh nghiệp Nhà nước đã được bắt đúng bệnh, chỉ rõ nguyên nhân nhưng vẫn tồn tại? Đó là do chúng ta vẫn còn thiếu cơ chế. Lỗ hổng lớn nhất hiện nay là nước ta vẫn chưa có Luật Cổ phần hóa vì thế nên thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát ở cấp cao nhất. Đây chính là kẽ hở để cho các cá nhân, doanh nghiệp lợi dụng trục lợi, biến của công thành của ông, biến lợi ích quốc gia thành bệnh đỡ, bệ phóng cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.
Nêu công khai tình trạng sân trước sân sau, lợi ích nhóm trong cổ phần hóa tại Hội nghị đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng đã truyền đi một thông điệp rất mạnh mẽ. Dù chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp nhưng thông điệp của Thủ tướng rất rõ ràng, trước hết là báo động về tình trạng sân trước sân sau tại các doanh nghiệp Nhà nước, từ đó cảnh báo doanh nghiệp phải tự tìm ra phương cách phù hợp, tự mình làm sạch mình trước, coi sự sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp là nhiệm vụ vì lợi ích của chính mình. Đồng thời qua đó kêu gọi doanh nghiệp cùng chung sức với chính phủ tìm giải pháp làm lành mạnh hóa thị trường kinh doanh, tuyên chiến với vấn nạn sân sau. Kiên quyết xử lý triệt để, nói không với những sân sau, công ty bình phong trong các doanh nghiệp nhà nước.
Muốn vậy trước hết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, công khai minh bạch các hoạt động, đấu thầu qua mạng. Các bộ ngành liên quan, đặc biệt là thanh tra Chính phủ phải thanh tra, chỉ rõ những cá nhân, doanh nghiệp Nhà nước có tình trạng này để xử lý, với thái độ kiên quyết, dứt khoát, không né tránh để thúc đẩy được khu vực kinh tế đang cầm trịch nền kinh tế của đất phát triển./.