Thông tin trên được đưa ra trong báo cáo của Bộ Tư pháp gửi Bộ Tài chính về tình hình thực hiện khoán chi và tự chủ của các cơ quan hành chính trong Bộ. Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc thực hiện tự chủ tài chính theo Nghị định 130/2005/NĐ-CP và Nghị định 117/2013/NĐ-CP đã gúp các cơ quan được quyền tự chủ trong việc sử dụng biên chế. Các đơn vị được chủ động sắp xếp, bố trí và sử dụng cán bộ phù hợp với chuyên môn được đào tạo, thực hiện giảm thiểu số lượng biên chế có mặt, nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành tốt công việc được giao.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã được quyền tự chủ về tài chính. Ngoài nguồn NSNN cấp theo quy định, các đơn vị còn được sử dụng khoản thu hợp pháp khác được pháp luật cho phép.
Đặc biệt, số kinh phí được giao thực hiện tự chủ cuối năm sử dụng không hết được chuyển sang năm sau sử dụng, nhờ đó mà không còn tình trạng “chạy” kinh phí còn dư cuối năm để chi tiêu cho hết. Đồng thời, các đơn vị đã chủ động hơn trong việc điều hành công việc và sử dụng kinh phí tự chủ.
Trong công tác sử dụng kinh phí, các đơn vị đã được giao quyền chủ động trong việc sử dụng kinh phí được giao nhằm đảm bảo mục tiêu sử dụng kinh phí hiệu quả, tiết kiệm, được quyết định định mức chi cho từng nội dung công việc. Từ khoản kinh phí tiết kiệm được, các đơn vị đã chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức trong đơn vị.
Việc chi trả thu nhập tăng thêm cho từng cán bộ công chức và người lao động ở các đơn vị được thực hiện theo nguyên tắc tính theo hệ số lương nhưng gắn với hệ số phân loại, gắn với kết quả, hiệu quả công việc của từng người. Không có đơn vị nào thực hiện việc chia thu nhập tăng thêm cào bằng theo bình quân hệ số lương.
Thực hiện cơ chế tự chủ đã nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức trong đơn vị. Thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm sử dụng biên chế và kinh phí được giao đúng mục đích, tiết kiệm và hiệu quả, tổ chức thực hiện và giải quyết công việc với chất lượng và hiệu quả cao, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cơ chế tự chủ đã tạo được sự công khai, minh bạch trong việc quản lý sử dụng kinh phí, tài sản nhà nước, bảo đảm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Ngoài ra, cơ chế tự chủ còn giúp các đơn vị thuận lợi trong xây dựng và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý tài sản công. Trong quá trình xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, cán bộ, công chức được tham gia góp ý, vì vậy, mọi khoản chi tiêu, sử dụng kinh phí, tài sản đều được thực hiện công khai, minh bạch. Việc thực hiện Quy chế quản lý tài sản công đã giúp cho tài sản được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Trong quy chế, các đơn vị đều quy định cụ thể trách nhiệm của từng cá nhân khi được giao quản lý tài sản, nên tài sản ít bị hư hỏng, giảm chi phí sửa chữa. Việc mua tài sản công đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng quy cách chủng loại, hạn chế mua sắm những tài sản vật dụng chưa cần thiết./.
Bùi Tư