Ở cùng sinh viên tại trại thực nghiệm, cơ sở 2 của Trường CĐCĐ Cà Mau, thầy Bắc không những dốc sức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức chuyên ngành mà còn hỗ trợ, giúp đỡ sinh viên gặp khó khăn trong cuộc sống. Đối với các bạn sinh viên, thầy Bắc vừa là người thầy, người anh và người bạn sẵn sàng san sẻ và đồng hành.
Truyền cảm hứng cho sinh viên
Thầy Nguyễn Việt Bắc. |
Sinh ra và lớn lên ở quê hương Đầm Dơi trong một gia đình thuần nông, chàng trai trẻ Nguyễn Việt Bắc luôn nuôi ước mơ được đứng trên bục giảng để ngày ngày truyền đạt kiến thức cho thế hệ mai sau. Và khi mơ ước ấy thành hiện thực, thầy Bắc đã dồn hết tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.
Tìm hiểu về quá trình đến với ước mơ của thầy Bắc khiến không ít người tấm tắc ngợi khen và ngưỡng mộ. Quyết định theo học chuyên ngành Nuôi trồng thuỷ sản tại Trường Đại học Cần Thơ, thầy Nguyễn Việt Bắc không ngại khó khăn thách thức để trui rèn bản thân mình. Thầy Bắc kể: "Kinh tế gia đình tương đối ổn định nên tôi không phải lo về tiền tiêu xài trong khoảng thời gian theo học đại học. Nhưng vì muốn bản thân được cọ xát với thực tế, tôi quyết định đi làm thêm từ những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường. Số tiền gia đình cho sinh hoạt hằng tháng, tôi giữ nguyên trong thẻ tiết kiệm để làm vốn kinh doanh sau khi ra trường".
4 năm đại học, chàng sinh viên trẻ Nguyễn Việt Bắc làm đủ mọi việc để tự trang trải chi phí học tập, sinh hoạt như: phục vụ quán ăn, quán nhậu, bốc xếp, phụ hồ và cả gia sư…
Thầy Bắc chia sẻ: "Tôi chú trọng việc tự học, tự nghiên cứu tài liệu là chính nên không cần tốn nhiều thời gian đến lớp. Tận dụng thời gian trong ngày tôi làm bốc xếp, phụ hồ kiếm mỗi ngày hơn 100.000 đồng lại được bao cơm miễn phí. Với số tiền đó, tôi có thể sinh hoạt nhiều ngày tới, vì ngoài in ấn tài liệu ra tôi không tốn thêm khoản nào cả".
Với số tiền tiết kiệm, thầy Bắc đầu tư vào việc nghiên cứu đề tài khoá luận tốt nghiệp.
Thầy Bắc bộc bạch: “Tôi là người duy nhất trong lớp thực hiện 3 đề tài khoá luận khác nhau. Bỏ khoảng thời gian dài nghiên cứu, tìm tòi, rồi chọn sản phẩm tâm huyết nhất để bảo vệ trước hội đồng”.
Tích luỹ kiến thức đã học và góp nhặt những kỹ năng từ cuộc sống, thầy Bắc mở trại ương cua giống bán cho người dân địa phương. Chỉ sau 1 năm hoạt động, cơ sở của thầy đã được nhiều người biết đến. Với số tiền lợi nhuận thu hàng trăm triệu đồng, thầy Bắc quyết định tiếp tục vừa học thạc sĩ vừa tiếp tục kinh doanh. Thông thường, cứ cuối tuần, thầy lại đi xe đò về quê để kiểm tra chất lượng con giống và liên tiếp áp dụng những công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Miệt mài hơn 2 năm, thầy Bắc nhận được tấm bằng thạc sĩ và về công tác tại trường CĐCĐ Cà Mau.
Khát khao chinh phục hoài bão vẫn chưa dừng lại ở đó, thầy Bắc quyết tâm học lên tiến sĩ. Chính sự miệt mài, cần mẫn trong học tập và lao động, đam mê với nghề của thầy là nguồn cảm hứng cho sinh viên, giúp các em có thêm động lực để phấn đấu học tập và rèn luyện.
Tận tuỵ với đam mê
Theo thầy Bắc, quy trình ương cua giống được xây dựng khép kín. Trại giống được xây dựng thấp với độ cao khoảng 3 m, thiết kế trại theo 2 mái với 2 loại tol sáng và tối (một bên sáng, một bên tối) để tạo nhiệt và tập tính hướng quang khi bắt mồi của cua. Mỗi bể ương với kích thước 16 m x 4 m x 2,4 m. Sau khi hoàn chỉnh khu ương, xử lý môi trường nước theo quy trình, tìm mua cua cái mang trứng (còn gọi là ấu trùng, meralop) đem về ương rồi thuần dưỡng thành cua con. Từ khi cua cái mang trứng, chỉ sau ít ngày ương sẽ nở thành cua con và khoảng 25 ngày ương tiếp theo cua con sẽ xuất bán cho người nuôi.
Quy trình ương cua giống đòi hỏi kỹ thuật cao, cua giống ương nuôi mau lớn, rất thích nghi với điều kiện tự nhiên ở Cà Mau. Hiện cua giống rất khan hiếm nên lượng giống do thầy Bắc ương đều được tiêu thụ hết. Giá cua giống tương đối ổn định, đem về thu nhập, lợi nhuận khá. Thương lái đến tận cơ sở thu mua với giá từ 400 đồng/con, rồi xuất bán cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.
Bình quân, mỗi vụ ương cua giống kéo dài khoảng 40 ngày, sau khi trừ chi phí còn lãi trên 80 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất, cơ sở ương giống cũng là nơi để các em sinh viên chuyên ngành Nuôi trồng thuỷ sản thực hành, nhiều em có tay nghề vững vàng ra trường có thể mở trại ương riêng.
Không chỉ giảng dạy bằng cả tâm huyết, không ngừng trau dồi kiến thức qua việc học tập, thầy Bắc còn thực hiện các đề tài nghiên cứu mang tính ứng dụng, nổi bật là đề tài cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng ozon và đèn UV trong mô hình nuôi siêu thâm canh tôm thẻ chân trắng quy mô nông hộ tại Cà Mau”. Sản phẩm này tung ra thị trường giúp người nuôi tôm Cà Mau giảm thiểu chi phí đáng kể và đang rất hút hàng.
Với nhiệt huyết, năng động, sự nhạy bén của tuổi trẻ, ngoài công việc chính là giảng dạy, thầy Bắc còn cộng tác với nhiều doanh nghiệp như: Công ty TNHH tôm giống Aqua one, Công ty TNHH Công nghệ UV Best. Bên cạnh đó, thầy Bắc còn là một tấm gương làm kinh tế giỏi trong chính lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản mà thầy đang đảm nhiệm. Ngoài những giờ giảng dạy, nghiên cứu, thầy Bắc còn tư vấn cho những mô hình nuôi tôm trên địa bàn tỉnh, không ngại khó khăn, đường xa, thầy đến các địa bàn để tư vấn cho người dân, giúp họ có những nhận định và phương pháp nuôi trồng khoa học và hiệu quả hơn./.
Ngọc Trầm - Nguyễn Công