【kqbd nurnberg】Hà Nội: "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm" diễn ra từ 15/4 đến 15/5
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Phúc Nguyên |
Sáng ngày 14/4, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố và triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022.
Báo cáo tại phiên họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022 được triển khai trên toàn thành phố từ ngày 15/4 đến 15/5. Ngoài các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, sự kiện còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Theo đại diện Sở Y tế, để tăng cường hiệu quả “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố sẽ tổ chức 4 đoàn thanh, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra công tác triển khai kế hoạch của các quận, huyện, thị xã cũng như các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Đồng thời, ban chỉ đạo sẽ công khai các cơ sở, cá nhân bị phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm nhằm cảnh cáo, răn đe, ngăn chặn các hành vi sản xuất, kinh doanh thực phẩm trái pháp luật.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của thành phố, trong đó khẩn trương triển khai sự kiện này trên địa bàn. Các địa phương cần tăng cường trách nhiệm hơn nữa, đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra trên địa bàn để kế hoạch được triển khai hiệu quả, tránh hình thức.
Cùng với đó, ông Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các đơn vị, địa phương cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông một cách công khai, minh bạch về vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong triển khai thực hiện kế hoạch; tăng cường kiểm tra, giám sát cũng như hậu kiểm trong việc chấp hành các quy định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm; chú trọng vấn đề thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.../.