【bảng xếp hạng 2 bóng đá đức】Giáo viên quyết định sự thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh như vậy tại Hội nghị triển khai chương trình GDPT mới, tổ chức chiều 9/1.
Còn thiếu gần 76.000 giáo viên
Chương trình GDPT mới xuất hiện nhiều môn học mang tính tích hợp, đặc biệt là ở các lớp học cấp dưới. Do đó, tại hội nghị, câu hỏi được nhiều đại biểu đặt ra là liệu đội ngũ nhà giáo có “tải” được nội dung chương trình hay không, cũng như bày tỏ lo ngại đến sự thừa thiếu giáo viên cục bộ.
Giải đáp những lo ngại này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình GDPT mới khẳng định, ở giai đoạn đầu, giáo viên môn nào vẫn dạy môn đó. Những giáo viên đã được bồi dưỡng tốt, có khả năng dạy các môn tích hợp sẽ tham gia giảng dạy các môn, các chuyên đề tích hợp. “Về lâu dài, hiện nay Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo đổi mới chương trình, có chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông”, GS Thuyết thông tin.
Về vấn đề này, TS Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cũng cho biết, về cơ bản đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở tất cả các cấp học đã đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo (tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đối với mầm non 96,6%, tiểu học 99,7%, trung học cơ sở (THCS) 99%, trung học phổ thông (THPT) 99,6%).
Theo ông Minh, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên có lòng yêu nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, tích cực học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Đồng thời, năng lực sư phạm của phần lớn nhà giáo được nâng lên, đáp ứng được yêu cầu đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục.
Mặc dù vậy, theo báo cáo của các sở GD&ĐT, so với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3161 người). Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS một số môn nhưng vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS môn khác.
Giáo viên phải được tập huấn, đào tạo bài bản
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, bên cạnh yếu tố cơ sở vật chất thì đội ngũ nhà giáo có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sự thành bại của chương trình. Thừa nhận hiện đang có tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ GD&ĐT đã giao cho các đơn vị thực hiện rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục để đề xuất với Bộ Nội Vụ có phương án tuyển sinh.
Cùng với đó là tính toán lại định mức công việc của giáo viên nhằm đáp ứng được chương trình mới. Điều này sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, bất cập của các địa phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đánh giá chương trình GDPT mới dù tốt nhưng nếu người triển khai, nhất là đội ngũ giáo viên không được tập huấn, đào tạo bài bản thì chương trình sẽ không đạt được hiệu quả. “Chương trình tốt đến mấy nhưng không thể phát huy được nếu người thực hiện chưa sẵn sàng. Vì thế, thành bại của chương trình GDPT mới phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ nhà giáo - những người sẽ thực hiện chương trình”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Hoàng Đức Minh cho biết, từ năm 5 trước, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với các Sở GD&ĐT, các trường sư phạm để tổ chức các khóa bồi dưỡng, đào tạo giáo viên cốt cán theo hướng phát triển định hướng học sinh và xây dựng chủ đề liên môn.
Ông Minh khẳng định, Bộ cũng tính toán đến những nơi khó khăn để khi đào tạo giáo viên cốt cán sẽ được chú ý, đầu tư bồi dưỡng hơn về công nghệ thông tin. “Chúng tôi cũng đã chọn lọc những giáo viên tốt nhất, có khả năng nhất để triển khai chương trình từ năm học 2020 – 2021 với lớp 1. Cùng sự hoàn thiện của việc bồi dưỡng qua internet, chúng tôi tin rằng đội ngũ giáo viên sẽ đủ điều kiện để đáp ứng chương trình mới”, ông Minh nhấn mạnh./.
Mai Đan