Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kênh xuất khẩu hàng hóa quan trọng |
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang tái thiết chuỗi cung ứng toàn cầu, làm thay đổi cuộc chơi xuất nhập khẩu hàng hóa. Ảnh: ST |
Cơ hội gia tăng, tiềm năng rộng mở
Báo cáo mới công bố của hãng tư vấn Access Partnership (Anh) cho biết, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu bán lẻ từ DN tới người tiêu dùng (B2C) qua TMĐT tại Việt Nam đạt 3,5 tỷ USD (khoảng 80.700 tỷ đồng), chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2022. Cơ quan này dự báo doanh thu xuất khẩu qua TMĐT ở Việt Nam có thể tăng lên 5,5 tỷ USD (124.200 tỷ đồng) vào năm 2027, với tốc độ tăng trưởng hàng năm khoảng 9%.
Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA)-Bộ Công Thương, TMĐT xuyên biên giới được đánh giá có nhiều tiềm năng và phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế số Chính phủ đề ra. Hiện tốc độ tăng trưởng TMĐT xuyên biên giới tại Việt Nam đã cao gấp 2,3 lần so với tốc độ tăng trưởng bình quân của TMĐT nói chung.
Con số ước tính được bà Lại Việt Anh đưa ra tại một cuộc hội thảo do cơ quan này phối hợp Amazon Global Selling tổ chức cho thấy, nếu các doanh nghiệp được tham gia vào đào tạo, kỹ năng, thông tin và hỗ trợ vào TMĐT xuyên biên giới thì ước tính năm 2026, kim ngạch xuất khẩu qua TMĐT xuyên biên giới sẽ đạt 11,1 tỷ USD và lên 12,5 tỷ USD vào năm 2027.
Số liệu từ Amazon Global Selling cũng cho thấy rõ xu hướng này khi khẳng định: cộng đồng người bán hàng xuyên biên giới trên nền tảng TMĐT Amazon cũng tăng trưởng rất cao trong những năm qua (tăng đến 80% về số lượng, 45% về giá trị xuất khẩu.)
Có thể nói đối với DN Việt Nam, TMĐT và bán hàng xuyên biên giới đang mở ra những cơ hội mới và tiềm năng lớn. Việc tham gia vào TMĐT giúp DN tiếp cận khách hàng toàn thế giới, điều này mở rộng thị trường tiêu thụ và tạo ra nguồn thu lớn.
Việc xuất khẩu hàng hóa thông qua TMĐT giúp gia tăng doanh số bán hàng và mở rộng quy mô sản xuất. Đồng thời, DN cũng có thể nhập khẩu các nguyên liệu và sản phẩm chất lượng từ các thị trường quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm và cạnh tranh trên thị trường.
Không dễ thích ứng với cái mới
Báo cáo từ Bộ Công Thương cho thấy, hiện hầu hết các DN nhỏ, siêu nhỏ ở Việt Nam đang xuất khẩu sang phần còn lại của Đông Nam Á và Trung Quốc và đây tiếp tục được coi là hai khu vực xuất khẩu lớn nhất. Trong 5 năm tới Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu sẽ là những thị trường nổi trội cần được ưu tiên. Tuy nhiên thông tin, nhu cầu khách hàng, thị hiếu và những tiêu chí mà các nước châu Âu, Hoa Kỳ đưa ra khá khắt khe mà DN Việt Nam, phần lớn chưa nắm vững các quy định này.
Hiện có nhiều nền tảng TMĐT tại Việt Nam đang hỗ trợ DN bán hàng xuyên biên giới như Alibaba, Global Sources, TradeKe, Made-in-China, Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… Tuy nhiên theo đại diện Bộ Công Thương, không phải nền tảng TMĐT nào cũng sẵn sàng “cầm tay chỉ việc” cho DN một cách rõ ràng về cách thức bán hàng xuyên biên giới qua TMĐT. Trong khi đó, quy định về thị trường xuất khẩu rất khắt khe, đòi hỏi các DN Việt phải nỗ lực để cạnh tranh và thích ứng tiêu chí, quy định của sản phẩm và môi trường TMĐT xuyên biên giới. Cùng với đó, vấn đề thông tin, nhân sự và đặc biệt là chi phí… khi tính bài toán xuất khẩu qua xuyên biên giới cũng là rào cản cho DN Việt Nam. Để hỗ trợ các DN chuyển đổi số cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp trong hành trình vươn ra thị trường quốc tế, ứng dụng TMĐT, theo bà Lại Việt Anh, thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, quy định, nghị định và văn bản. Đơn cử như Nghị định 80/2021/NĐ-CP hướng dẫn luật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đưa ra những mức hỗ trợ rất cụ thể (như 50% chi phí mở và duy trì gian hàng) đối với DN trong quá trình ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số; hoặc khi tham gia bán hàng trên các nền tảng TMĐT lớn. Hay Quyết định 645/QĐ-TTg về Chương trình phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, với rất nhiều giải pháp như nâng cao năng lực, đào tạo cho DN ứng dụng TMĐT, hỗ trợ cho DN chuyển đổi số, mở website, tham gia các sàn TMĐT... Một văn bản nữa là Quyết định 1415/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2030”, trong đó nội dung hỗ trợ DN tham gia bán hàng TMĐT xuyên biên giới là một giải pháp cốt lõi.
Thách thức trong quản lý
Thực tế, hoạt động TMĐT là xu hướng kinh doanh tất yếu trong thời đại công nghệ số và hội nhập kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tiềm ẩn nhiều hệ lụy tiêu cực, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, đặc biệt là TMĐT xuyên biên giới.
Vấn nạn mặt hàng giả, không rõ nguồn gốc, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được chào bán công khai trên các sàn TNĐT đang là một thách thức không nhỏ đối với cơ quan quản lý và DN. Mỗi năm Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thường phải tiếp nhận hàng nghìn phản ánh, yêu cầu, kiến nghị, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến việc mua bán trên sàn TMĐT.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tạp chí Hải quan về thách thức này, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam thừa nhận thực tế, đây đúng là vấn đề khó. Bán hàng xuyên biên giới là hoạt động còn rất mới đối với cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Việt Nam. Vì vậy việc quản lý cần tham khảo các nước đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực vày để tìm ra giải pháp phù hợp.
Liên quan đến một số rào cản pháp lý dẫn đến gánh nặng hành chính bổ sung, chẳng hạn như tuân thủ các quy định nhập khẩu và thuế hải quan khác nhau, được biết Việt Nam đã ký kết một số Hiệp định thương mại tự do nhằm tạo thuận lợi cho thương mại thông qua các phương tiện kỹ thuật số. Trong số này, có “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP”, với các điều khoản nhằm khuyến khích các DN tham gia vào Hiệp định thương mại tự do cũng như các điều khoản cụ thể liên quan đến thương mại điện tử.
Có thể nói, TMĐT xuyên biên giới đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho các DN Việt Nam, trong đó có một số rào cản mà DN phải đối mặt liên quan đến pháp lý, quản lý vận chuyển, hải quan, thuế và chính sách thương mại quốc tế. Điều này đòi hỏi các DN cần có kiến thức và hiểu biết sâu về các quy định, quy trình thương mại quốc tế để đảm bảo tuân thủ đúng và tận dụng tối đa cơ hội kinh doanh.
Bà Crystal Ren, Nhà sáng lập Phera & Abound Lifestyle:
Chúng tôi hy vọng rằng câu chuyện của mình có thể truyền cảm hứng không chỉ cho các nhà bán hàng trên Amazon mà còn cho các MSMEs - DN nhỏ và vừa khác tại Việt Nam có ý định tham gia vào ngành thương mại điện tử xuyên biên giới. Phát triển từ một công ty khởi nghiệp, chúng tôi thấu hiểu những thách thức khi bước vào mô hình kinh doanh này cũng như quá trình đáp ứng nhu cầu thị trường. Lời khuyên của chúng tôi là hãy linh hoạt với nhu cầu đa dạng trên thế giới và tận dụng mọi sự hỗ trợ từ Chính phủ và các sàn thương mại. Ông Nguyễn Lê Thăng Long, Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings:
Hành trình của chúng tôi từ một nhà sản xuất truyền thống trở thành một doanh nghiệp phát triển quốc tế năng động đã trở thành hiện thực nhờ việc tiếp cận khách hàng toàn cầu thông qua Amazon. Với khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên có giá trị, các công cụ đổi mới và sự hỗ trợ của đội ngũ bán hàng toàn cầu tại từng địa phương, An Phát Holdings đã có thể giới thiệu sản phẩm xanh mang thương hiệu AnEco của mình một cách hiệu quả, kết nối với khách hàng trên toàn thế giới và phát triển một cách vượt bậc. Chúng tôi hy vọng rằng câu chuyện của mình có thể chứng minh những cơ hội hấp dẫn dành cho nhà bán hàng Việt Nam trên TMĐT, khuyến khích mọi người đón nhận xu hướng xanh này và nỗ lực để đạt được những thành tựu mới cho doanh nghiệp mình. Ông Phạm Xuân Tùng - Anneco Group:
Có sự chuyển dịch mô hình kinh doanh của doanh nghiệp và nhà sản xuất Việt Nam từ hình thức OEM (gia công, sản xuất phụ tùng gốc) hay FOB sang hình thức xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của mình và trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, quá trình này ngày càng phổ biến trong và sau đại dịch. Điều này đã mang đến những cơ hội, đồng thời là thách thức với các doanh nghiệp Việt trong việc phải có tầm nhìn dài hạn và xây dựng thương hiệu từ những bước đầu tiên. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu và phát triển thương hiệu của mình, có thể liên kết với đơn vị tư vấn hay cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Thực tế đã có doanh nghiệp do không tính toán được rủi ro nên sau một năm kinh doanh thành công, thương hiệu của họ có nguy cơ bị thu hồi do không được bảo hộ thương hiệu tại Mỹ vì đã có các doanh nghiệp khác đăng ký tên thương hiệu tương tự. Công sức đầu tư suốt một năm cho thương hiệu, xây dựng lượng khách hàng trung thành có nguy cơ phải “bỏ đi xây lại từ đầu” khi thiếu sự nghiên cứu, tư vấn và hỗ trợ của các đơn vị chuyên nghiệp trong ngành. N.Hà (ghi) |
Cần nỗ lực từ nhiều bên để hoàn thiện môi trường kinh doanh trên sàn TMĐT
Khẳng định tiềm năng phát triển bán hàng qua biên giới rất lớn, đại diện một trong những sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam, ông Gijae Seong, Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho rằng: cần thêm thời gian cùng với nỗ lực từ nhiều bên để hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN để khai thác cơ hội và biến xuất khẩu online dần trở thành một mũi nhọn xuất khẩu mới cho đất nước. Ông có nhận xét gì về tốc độ phát triển cũng như bức tranh toàn cảnh của TMĐT tại Việt Nam, từ đó, đánh giá về tiềm năng của các DN Việt Nam khi tham gia sân chơi này? Từ các số liệu thống kê cũng những quá trình phát triển tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng tiềm năng và dư địa của xuất khẩu qua TMĐT cho doanh nghiệp Việt Nam còn rất lớn. Vấn đề là cần một tạo ra một sự hỗ trợ toàn diện, kịp thời và hiệu quả từ nhiều bên liên quan như các cơ quan Chính phủ, nhà hoạch định chính sách, các đơn vị cung cấp dịch vụ trong ngành để thúc đẩy và trang bị kiến thức, thông tin, kỹ năng, công cụ hỗ trợ cho các DN; từ đó cùng nền kinh tế trong nước, xuất khẩu bán lẻ qua TMĐT có thể đạt được giá trị tiềm năng lên tới con số 296,3 nghìn tỷ đồng như nghiên cứu đã công bố. Một báo cáo khác do Amazon thực hiện cho thấy: 2022 là năm nhiều thách thức với những biến động trên toàn cầu, tuy nhiên số lượng DN Việt Nam tham gia Amazon vẫn tăng trưởng lên đến 80% và tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN Việt Nam thông qua Amazon cũng tăng 45%. Điều này cho thấy sự phát triển TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam trong những năm vừa qua và tiềm năng vẫn còn phía trước. Chuyển đổi từ xuất khẩu hàng hóa truyền thống sang xuất khẩu theo TMĐT. Ông có đánh giá gì về những khó khăn liên quan đến chính sách xuất nhập khẩu hàng hóa, thương mại? Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu của câu chuyện chuyển đổi từ xuất khẩu truyền thống sang xuất khẩu online. Chúng tôi cho rằng sẽ cần thêm thời gian cùng với nỗ lực từ nhiều bên để hoàn thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho DN để khai thác cơ hội và biến xuất khẩu online dần trở thành một mũi nhọn xuất khẩu mới cho đất nước. Hiện nay, vai trò của chúng tôi là lắng nghe, tổng hợp các trải nghiệm thực tế của DN khi xuất khẩu online, những thách thức, rào cản họ gặp phải. Từ đó, chia sẻ với các đơn vị, cơ quan Chính phủ để cùng tìm ra giải pháp và hoàn thiện thêm. Đồng thời, về phía Amazon, chúng tôi cũng cung cấp cho doanh nghiệp các công cụ, chương trình, dịch vụ để hỗ trợ họ trong quá trình bắt đầu và phát triển kinh doanh quốc tế. Ông có lời khuyên gì để các DN Việt thành công trên Amazon, nhất là các DN vừa và nhỏ kinh doanh nông sản? Việt Nam là nước có thế mạnh nông sản. Trên Amazon, chúng tôi cũng ghi nhận sự có mặt của một số sản phẩm liên quan đến nông sản hoặc tiêu dùng có thể tận dụng tốt xu hướng kinh doanh này. Đối với TMĐT xuyên biên giới, hàng hóa sẽ phải đi một quãng đường dài, phải lưu kho chờ đến khi khách đặt hàng, DN phải tính toán đến chi phí lưu kho, thời gian hết hạn của sản phẩm. Do đó, các sản phẩm nông sản tươi, kích thước nặng hay cồng kềnh không có nhiều lợi thế ở mảng xuất khẩu bán lẻ B2C online. Hiện nay, các sản phẩm nông sản chế biến hoặc sấy khô như các loại hạt, trái cây sấy khô, bánh tráng, snack làm từ gạo, hay rong nho sấy khô sẽ có lợi thế. DN cần đảm bảo được các sản phẩm có thời hạn sử dụng dài, tránh việc phải hoàn lại về nơi xuất khẩu. Ngoài ra, cần cân nhắc đến khác biệt về nhiệt độ tại từng thị trường hay từng mùa làm ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa. Ví dụ như ở Mỹ, nhiệt độ các mùa cũng khác nhau. Các nhà bán hàng vì thế cũng phải chú ý đến tiêu chí này. Nhiều DN sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông sản thường luôn gắn thông điệp “Made-in-Vietnam”. Chúng tôi hiểu sự tự hào về nguồn gốc và xuất xứ sản phẩm. Tuy nhiên, đây chưa chắc đã là cách tiếp thị tối ưu với khách hàng quốc tế. Vì trên sân chơi này, người tiêu dùng hiểu rằng chất lượng là điều bắt buộc và thường ít khắt khe về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm; họ tìm kiếm đặc tính nào đó của sản phẩm hoặc thương hiệu. Ví dụ, có những khách hàng chỉ quan tâm đến sản phẩm organic, hay sẽ chỉ tìm các sản phẩm có cách thức đóng gói thân thiện với môi trường. Đối với thị trường các nước phát triển, cần chú ý tiếp thị dựa vào thứ khách hàng tìm kiếm hơn là chỉ giới thiệu cái mình nghĩ là quan trọng. Thay vì nói về những thứ chúng ta có, hãy nói với khách hàng về những gì họ đang tìm kiếm. Khách hàng đang cần cái gì, đang tìm kiếm điều gì - sản phẩm organic hay sản phẩm thân thiện môi trường, hay bất kỳ tính năng nào. Đây là cách để nông sản Việt Nam hoà vào dòng chảy hiện nay, từng bước toàn cầu hoá, một cách công bằng, sòng phẳng, để rộng mở các cơ hội cho nông sản Việt Nam. Xin cảm ơn ông! Nguyễn Hà(thực hiện) |