Huyện Châu Thành A đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục các điểm sạt lở ven tuyến sông Ba Láng để giúp người dân khu vực này đi lại thuận tiện,ăngcườngphngchốngsạtlởantigua gfc an toàn. Đồng thời tăng cường các giải pháp phòng chống sạt lở đất bờ sông.
Hai tuyến đường tạm thuộc địa bàn ấp Tân Thạnh Tây và Thạnh Lợi đã được xây dựng xong để đảm bảo lưu thông an toàn cho người dân.
Theo UBND huyện Châu Thành A, từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn huyện xảy ra 2 điểm sạt lở ven sông Ba Láng, thuộc địa bàn xã Tân Phú Thạnh. Cụ thể, điểm sạt lở xảy ra ở ấp Tân Thạnh Tây ngày 28-4 làm thiệt hại 45m kè, ước thiệt hại ban đầu khoảng 1,8 tỉ đồng. Còn đoạn sạt lở thuộc địa bàn ấp Thạnh Lợi ngày 5-5, ước thiệt hại khoảng 290 triệu đồng, diện tích mất đất bờ sông khoảng 400m2. Ngoài ra, còn 1 điểm răn nứt khoảng 70m kè chống sạt lở thuộc địa bàn ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh.
Trước tình hình trên, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban, ngành huyện lắp đặt biển báo, xây dựng đê chắn sóng giúp người dân, phương tiện qua lại gần khu vực sạt lở được an toàn. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở và các điểm có nguy cơ sạt lở để chủ động di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm; đảm bảo an toàn tính mạng, hạn chế thiệt hại về tài sản. Đến nay, UBND huyện đã cho chủ trương sử dụng kinh phí dự phòng ngân sách huyện để hỗ trợ di dời 7 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai sạt lở với số tiền 140 triệu đồng.
Ngoài ra, trước mắt địa phương đã mở hai tuyến đường giao thông tạm để phục vụ người dân đi lại ven tuyến sông Ba Láng. Cụ thể, tuyến đường Rạch Chồn đến miếu Ông Tam Nhỏ, thuộc ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, có chiều dài 300m, ngang 1,5m, kinh phí thực hiện khoảng 260 triệu đồng. Song song đó, tuyến đường Rạch Bần đến ngọn Rạch Trầu Nhỏ, ấp Thạnh Lợi, xã Tân Phú Thạnh, cũng đã được đầu tư hoàn thiện với kinh phí 320 triệu đồng, chiều dài trên 240m.
Ông Nguyễn Văn Sĩ, cán bộ nông thôn mới xã Tân Phú Thạnh, thông tin: Hai tuyến trên đã được đầu tư hoàn thiện, hiện người dân địa phương có thể tránh các khu vực sạt lở ven sông Ba Láng bằng cách di chuyển vào hai tuyến đường tạm này. Bên cạnh đó, xã cũng thường xuyên vận động bà con kè mé bằng các vật liệu sẵn có tại địa phương, trồng những loại cây giữ đất bờ sông tốt như cầy bần, cây nga để hạn chế xói mòn.
“Mở tuyến đường này, tạm thời đã giúp bà con di chuyển đỡ phần vất vả, nhất là các bậc phụ huynh ven tuyến đưa con đi học cũng tiện và an toàn hơn. Nhưng về lâu dài, Nhà nước cần quan tâm đầu tư lộ giao thông bên ngoài thật kiên cố”, ông Lê Văn Ba, ở ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, trao đổi.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, trong 6 tháng đầu năm, các vụ sạt lở chủ yếu xảy ra ven tuyến sông Ba Láng. Về chiều dài sạt lở, diện tích mất đất bờ sông ít hơn những năm trước, tuy nhiên giá trị thiệt hại do sạt lở lớn, ước khoảng trên 2 tỉ đồng. Bên cạnh việc xây dựng đường tạm để kết nối giao thông cho người dân đi lại ven tuyến, địa phương đã trình tỉnh xin chủ trương xây dựng một tuyến đường giao thông bên trong với chiều dài 3,5km, ước thực hiện khoảng 22,8 tỉ đồng.
Ông Ngô Xuân Hiền, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành A, cho biết: Trong mùa mưa tới đây, do tác động của nhiều yếu tố nhất là triều cường và mưa nhiều có khả năng tiếp tục xảy ra sạt lở ở một số điểm nguy cơ trên địa bàn ấp Tân Thạnh Tây và Thạnh Lợi, nhưng có thể mức độ không lớn như vụ sạt lở vừa qua. Góc độ ngành chuyên môn, cũng khuyến cáo người dân không nên xây dựng nhà ở, các công trình nhà ở ven tuyến kênh Ba Láng. Đối với những khu vực có nguy cơ sạt lở, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng chống sạt lở như kè mé hay áp dụng giải pháp phi công trình là trồng những loại cây chống sạt lở. Người dân cũng cần thường xuyên theo dõi và chấp hành nghiêm những cảnh báo sạt lở từ chính quyền địa phương, đồng thời quan sát diễn biến sạt lở tại khu vực sinh sống. Đối với những hộ đã sinh sống ở khu vực nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm cần sớm di dời để đảm bảo an toàn…
Bài, ảnh: NGUYÊN ANH