Tại lễ tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” lần thứ nhất năm 2018 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nkq milan Bộ Khoa học - Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 11-12 vừa qua, anh Phạm Minh Phong vinh dự là một trong 53 nhà khoa học, chuyên gia, kỹ sư, sáng chế không chuyên có cống hiến xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc và là đại diện duy nhất của Bình Phước được tuyên dương.
Gắn đam mê với thực tiễn sản xuất
Đến cửa hàng cơ khí - cửa sắt Thanh Phong bên đường Lộc Tấn - Hoàng Diệu, đoạn qua trung tâm xã Lộc Hiệp với ngổn ngang các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chúng tôi thấy anh Phạm Minh Phong đang tận tình hướng dẫn cách sử dụng máy cho rất nhiều khách hàng ở trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, đặt mua máy. Dáng người đậm chất nông dân, trông anh già hơn nhiều so với tuổi 44. Nhường việc giới thiệu sản phẩm cho vợ, anh pha ấm trà nóng, ngồi tâm sự với chúng tôi về hành trình sáng tạo của mình.
Anh Phạm Minh Phong giới thiệu máy thái và trộn thức ăn gia súc, gia cầm do anh chế tạo
Anh Phong cho biết: “Tôi đam mê nghề cơ khí từ nhỏ nên thời phổ thông vừa học văn hóa vừa học nghề. Năm 1995, gia đình về xã Lộc Hiệp lập nghiệp với hướng phát triển kinh tế chính là trồng tiêu, nhưng tôi vẫn làm thêm nghề cơ khí ở Bình Long. Gia đình mỗi năm cũng thu vài tấn tiêu. Ngày đó, khi hái tiêu về, cả nhà phải lấy chân giẫm để hạt tiêu rơi khỏi cuống. Người có sức khỏe tốt, mỗi ngày cũng chỉ giẫm được khoảng 200kg tiêu. Sau đó còn phải mất công nhặt lại tiêu sót. Nếu thuê người làm hết các công đoạn thì giá bán không bù nổi giá thành sản xuất. Thấy việc suốt tiêu quá cực mà hiệu quả không cao, tôi bắt đầu nghiên cứu, chế tạo máy suốt”.
Năm 2000, anh Phong thuê đất tại chợ Lộc Hiệp mở xưởng cơ khí. Những ngày đầu chế tạo máy, anh không nhớ đã phá không biết bao nhiêu vật liệu, tiêu tốn hạt tiêu của gia đình khi cho máy chạy thử nghiệm. Chiếc máy hoàn thành, anh vui mừng muốn trào nước mắt. Ngày đầu chạy máy, rất đông người dân trong xã đến xem và liên tục “đặt hàng”. Từ chiếc máy thô sơ ban đầu, anh tiếp tục nghiên cứu, cải tiến, gắn thêm động cơ chạy bằng dầu diezen do thời điểm này nhiều khu vực trong xã chưa có điện. Sau này là máy gắn môtơ điện. Chiếc máy suốt tiêu có 3 phần chính là động cơ, giá đỡ (khung máy, ray đẩy...) và bộ phận suốt (trục xoắn, máng chứa, sàng lọc tiêu...). Máy hoạt động rất đơn giản: Tiêu đổ vào máng, chảy xuống trục cuốn được thiết kế đặc biệt để ép tiêu rời khỏi cuống, rơi xuống sàng, chảy vào máng chứa. Cuống tiêu cũng đẩy ra ngoài theo một đường riêng. Qua kiểm tra thực tế, tỷ lệ tiêu sạch cuống đạt trên 97% và máy có thể di chuyển dễ dàng nhờ hệ thống bánh xe, tay đẩy. Khi không có điện hoặc mất điện, máy vẫn hoạt động tốt nhờ quay tay thủ công. Tiếng lành đồn xa, xưởng cơ khí của gia đình anh Phong có rất nhiều người đến đặt mua máy, trong đó không ít trường hợp ở xa, đường đi lại khó khăn, để kiểm tra chất lượng máy đã chở theo cả bao tiêu đến thử tại chỗ.
Có máy suốt tiêu rồi, anh Phong lại nghĩ đến việc làm gì cho tiêu sạch trước khi bán ra thị trường và ý tưởng về máy quạt nông sản ra đời. Đây là sản phẩm hoàn toàn mới, không có sự tham khảo từ bất cứ loại máy móc nào trước đó. Máy được thiết kế đơn giản với cấu tạo vững chắc, có thể di chuyển phù hợp trên mọi địa hình. Khi vận hành, đổ tiêu vào máng, kéo nhẹ lẫy để tiêu tự động chảy xuống cho quạt làm sạch. Không những làm sạch tiêu, máy còn phân loại được hạt chắc, hạt lép. Anh Phong chia sẻ: “Đơn giản vậy thôi nhưng tôi phải mất nhiều năm nghiên cứu và thử nghiệm. Cái khó là phải tạo sức gió tối đa dồn về một phía nên việc thiết kế cánh quạt đòi hỏi độ chính xác cao. Ngoài quạt tiêu, chiếc máy này có thể dùng làm sạch nhiều loại nông sản khác”.
Sáng tạo từ thực tiễn lao động
Nhờ liên tục cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và chế tạo mỗi loại máy có nhiều kích cỡ khác nhau, phù hợp điều kiện sản xuất và kinh tế nên mỗi năm anh Phong cung cấp ra thị trường hàng trăm chiếc máy suốt, máy quạt cho người trồng tiêu trong và ngoài tỉnh, thậm chí sang cả nước bạn Campuchia. Từ năm 2012 đến nay, máy suốt tiêu, máy quạt nông sản cơ điện do anh Phong sáng chế được Sở Công Thương nhiều lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông nghiệp tiêu biểu và đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh, huyện.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hiệp cho biết: Người dân ở xã phát triển kinh tế chủ yếu dựa vào cây tiêu. Những sản phẩm do anh Phong chế tạo rất quan trọng, làm tăng năng suất lao động, giảm chi phí thu hoạch, tăng chất lượng, giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập cho nông dân. Đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp của tỉnh cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Những thành quả này là nguồn cảm hứng để anh Phong tiếp tục sáng tạo nhiều sản phẩm mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Trong đó có 2 sản phẩm đang được nông dân ưa chuộng là máy xay phân dê và máy thái cỏ, cây chuối cho gia súc, gia cầm.
Anh Phong cho biết thêm: Địa bàn 2 huyện Lộc Ninh và Bù Đốp có rất nhiều hộ phát triển kinh tế từ mô hình kết hợp trồng tiêu - nuôi dê. Do phân dê giàu chất dinh dưỡng cho cây trồng nên phần lớn được tận dụng làm phân bón. Qua theo dõi, tôi thấy việc sử dụng phân dê bón trực tiếp cho cây trồng không mang lại hiệu quả vì phân nguyên chất rất cứng, khó phân hủy, lại tròn và rất nhẹ, dễ bị trôi khi gặp mưa nên lãng phí. Để phân dê phát huy tác dụng phải đào hố, che bạt ủ thành phân vi sinh đem bón sẽ tốt hơn. Tôi chủ động làm theo cách này, sau 6 tháng đem bón cho cây thấy khả quan hơn nhưng hiệu quả không cao lắm vì phân dê chưa tan hết và muốn tan hết phải mất thêm nhiều thời gian.
Sẵn có tay nghề cơ khí, anh Phong bắt đầu nghiên cứu máy xay phân dê. Sau nhiều ngày đêm mày mò nghiên cứu, chế tạo và làm đi làm lại nhiều lần, chiếc máy cũng hình thành và hoạt động ổn định, xay phân dê nhuyễn như cám heo. Dùng phân này ủ với men vi sinh Trichoderma giúp quá trình lên men rất nhanh, rút ngắn thời gian phân hủy toàn diện, nâng cao chất lượng phân bón, tiết kiệm được tiền và công lao động. Nhiều hộ đã đặt mua vì tận dụng tối đa nguồn phân dê sẵn có bón cho cây vừa tăng năng suất và chất lượng nông sản vừa tăng thu nhập, lại không ảnh hưởng đến môi trường và giúp cải tạo đất. Đối với máy thái thức ăn cho gia súc, gia cầm, anh Phong chế tạo 3 lớp dao, có thể thái được nhiều loại rau, củ, quả với kích thước nhỏ gọn, phù hợp, sử dụng ở mọi địa hình, giá hợp lý.
“Những khó khăn, vất vả từ chính thực tiễn sản xuất của người lao động đã tạo động lực cho tôi tiếp tục nghiên cứu cải tiến những sản phẩm đã có và lên kế hoạch thực hiện những sản phẩm mới. Tôi chỉ mong góp một phần công sức đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” - anh Phong nói.
Lâm Phương