Xử lý 15.184 vụ vi phạm
Tại cuộc họp báo,ànhHảiquanChủđộngquyếtliệttrongcôngtácchốngbuônlậket qua baca Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Khánh Quang đánh giá, trong năm qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam.
Trước tình hình đó, ngành Hải quan đã chủ động, quyết liệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Tài chính về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Nổi bật là việc triển khai quyết liệt, hiệu quả trong toàn ngành 8 kế hoạch lớn và ban hành 17 văn bản chỉ đạo, cảnh báo tập trung vào các mặt hàng, các hiện tượng nổi cộm như: Rượu; thuốc lá; khoáng sản; thiết bị y tế đã qua sử dụng; gia cầm nhập lậu qua biên giới; các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; kiểm soát container rủi ro; kiểm soát hoạt động xuất, nhập khẩu tiền chất…
Theo ông Quang, với nỗ lực nêu trên, tính đến 15/12/2017, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý: 15.184 vụ vi phạm pháp luật; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 789,5 tỷ đồng (tăng 89,58%); thu nộp ngân sách hơn 334,8 tỷ đồng (tăng 95%). Đáng chú ý là số vụ việc do cơ quan hải quan đã khởi tố lên tới 51 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ. Điều này thể hiện quyết tâm của lực lượng hải quan trong việc điều tra, xử lý nghiêm các vụ buôn lậu có dấu hiệu đường dây, ổ nhóm...
Nhân dịp này, ông Quang cho biết thêm, lực lượng chống buôn lậu ngành Hải quan tiếp tục chủ động triển khai kế hoạch cao điểm chống buôn lậu cuối năm, dịp trước trong và sau Tết nguyên đán 2018 trên cả 3 tuyến cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không.
Lực lượng Hải quan sẽ ứng dụng, khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan. Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, tập trung đấu tranh với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: Ma túy, vũ khí, vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...
Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ nổi lên là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa tiêu dùng... như: Ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, đường, gia cầm, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em... Trên tuyến đường biển, các cảng biển quốc tế tập trung vào các mặt hàng: Xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...
Nhiều thách thức trong công tác chống buôn lậu
Tại buổi họp báo, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu đã chia sẻ những thách thức, hạn chế trong công tác khởi tố, xử lý các vụ việc buôn lậu nghiêm trọng.
Ông Quang cho biết, tại Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 quy định: “Đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của Hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Như vậy, thời hạn điều tra theo quy định đối với lực lượng Hải quan là quá ngắn vì có những vụ việc khi cơ quan hải quan yêu cầu giám định thì chất lượng và thời hạn chưa được đảm bảo và kịp thời cho công tác điều tra, xử lý vụ án. Đây là hạn chế "bó buộc" trong quá trình xử lý vi phạm của cơ quan hải quan…”, ông Quang chia sẻ.
Tại buổi họp báo, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Thuế xuất nhập khẩu cũng đã trả lời thỏa đáng những câu hỏi của đại diện cơ quan báo chí liên quan đến việc xử lý lô xe ô tô nhập khẩu phục vụ APEC; kết quả xử lý đối với Công ty cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto) về hành vi buôn lậu và việc dừng thông quan lô hàng ô tô của Euro Auto nhập khẩu về cảng VICT TP Hồ Chí Minh vào cuối năm 2016...
Ông Nguyễn Hải Trang, Phó cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu cho hay, xe ô tô APEC do Công ty Á Châu tài trợ cho APEC nhập khẩu vào Việt Nam để phục vụ hội nghị dưới hình thức tạm nhập tái xuất. Đến nay, DN có dự định bán lại số xe này tại Việt Nam nên phải chuyển đổi loại hình nhập khẩu và phải đăng ký lại tờ khai hải quan, do đó phải tính lại theo chính sách thuế mới tại thời điểm đăng ký tờ khai. “Chính sách thuế tại thời điểm tạm nhập và chính sách thuế hiện nay đã có những thay đổi, do đó nảy sinh vướng mắc, vấn đề này Tổng cục Hải quan đã báo cáo Chính phủ và đang chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ…”, ông Hải Trang nói.
Trả lời vấn đề “nóng” liên quan đến việc dừng thông quan lô hàng ô tô của Công ty cổ phần ô tô Âu Châu (Euro Auto) nhập khẩu về cảng VICT TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu chia sẻ, ngày 20/12/2016, Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra quyết định khởi tố Euro Auto về hành vi làm giả toàn bộ hồ sơ giấy tờ hải quan để làm thủ tục nhập khẩu xe ô tô vào Việt Nam. Ngày 26/12/2016, cơ quan hải quan đã có quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra Bộ Công an. Vì vậy, kết quả cuối cùng sẽ được cơ quan công an công bố.
Đối với lô xe ô tô của Euro Auto đang nằm ở cảng, do cơ quan hải quan dừng làm thủ tục hải quan, ông Thọ cho biết, trong nhiều lần làm việc với các cơ quan đại sứ quán Malaixia, đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Tập đoàn BMW, cơ quan hải quan thể hiện quan điểm, đối với số xe nằm ở cảng, nếu DN nộp đủ chứng từ, đủ điều kiện để làm thủ tục hải quan thì DN có quyền làm thủ tục nhập khẩu. Cơ quan hải quan sẵn sàng thực hiện yêu cầu nhập khẩu của DN. “Tuy nhiên, qua nhiều lần làm việc, đến nay DN vẫn chưa tiến hành các bước làm thủ tục hải quan…”, ông Thọ nói./.
Ngọc Linh