【kqbd atlas】Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án

Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án
Lãnh đạo các bộ, ngành tại Lễ ký. Ảnh: T.Bình.

Thống nhất cao trong xây dựng Thông tư liên tịch

Chiều nay (29/11), tại trụ sở Bộ Công an diễn ra Lễ ký các thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Dự Lễ ký có Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an; Phó Viện trưởng Thường trực Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến; Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Duy Giảng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp.

Phát biểu tại Lễ ký, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết: ngày 12/11/2021, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021. Sáng nay (29/11), Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức công bố Luật.

Trong đó, bên cạnh các nội dung sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, Luật đã bổ sung trách nhiệm “kiểm tra, xác minh sơ bộ” tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã tương đương như Công an phường, thị trấn và bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án với lý do bất khả kháng do “thiên tai, dịch bệnh”.

Để thi hành các quy định của Luật, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do “thiên tai, dịch bệnh” theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự.

“Quá trình xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch, các bộ, ngành đã có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, các dự thảo văn bản đã đủ điều kiện để ký ban hành”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ vụ án
Quang cảnh Lễ ký. Ảnh: T.Bình.

Đáp ứng tình hình thực tiễn

Liên quan đến vấn đề tạm đình chỉ vì lý do bất khả kháng do “thiên tai, dịch bệnh”, nội dung vướng mắc của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Hải quan, trong quá trình thực hiện do tình hình dịch Covid-19 vừa qua, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học (Viện kiểm sát nhân dân tối cao) cho biết, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; căn cứ tạm đình chỉ điều tra; căn cứ tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn truy tố vì lý do bất khả kháng do “thiên tại, dịch bệnh” để giải quyết khó khăn, vướng mắc cấp bách từ thực tiễn hiện nay cũng như khả năng sẽ phát sinh trong thời gian tới.

Việc bổ sung này sẽ tạo cơ sở pháp lý làm căn cứ giải quyết những khó khăn, vướng mắc thời gian qua, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong các trường hợp này.

Bởi, khi không thể tiến hành được các hoạt động giải quyết vụ án, vụ việc thì có căn cứ pháp luật để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tạm đình chỉ và không tiếp tục áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế đối với người bị buộc tội; tạo cơ chế tố tụng để các cơ quan tiếp tục theo dõi, quản lý được vụ án, vụ việc tạm đình chỉ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm; tránh được việc để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

“Do đó, việc xây dựng Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ vi lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ Luật Tố tụng hình sự là hết sức cần thiết để đảm bảo việc áp dụng các căn cứ nêu trên được chặt chẽ, thống nhất, tránh lạm dụng”, bà Hoàng Thị Quỳnh Chi nhấn mạnh.

Thông tư liên tịch sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNNPTNT-VKSNDTC của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Thông tư liên tịch quy định chi tiết việc áp dụng căn cứ tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh” theo điểm c khoản 1 Điều 148, điểm d khoản 1 Điều 229 và điểm d khoản 1 Điều 247 Bộ luật Tố tụng hình sự, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.