Trong một năm đã có 142 cán bộ trật tự xây dựng bị xử lý với nhiều hình thức, song theo Phó giám đốc Sở Xây dựng Trần Đức Học, đội ngũ cán bộ hiện nay đã tích cực hơn, không né tránh xử lý vi phạm.
Tại buổi giám sát của HĐND Hà Nội về trật tự xây dựng chiều 29/7, ông Trần Đức Học, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho biết, năm 2012 tình hình vi phạm trật tự xây dựng là vấn đề nổi cộm (với 788 trường hợp vi phạm tồn đọng) nên lãnh đạo thành phố đã kiên quyết lập lại kỷ cương trong lĩnh vực này.
Dãy nhà mỏng tồn tại cả chục năm nay trên phố Đào Tấn (quận Ba Đình). Ảnh:Skyscrapercity. |
Sau một năm đã có hơn 500 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng được các quận huyện xử lý, tình hình xây dựng trái phép, sai phép chuyển biến rõ rệt, các vi phạm trắng trợn đã giảm hẳn. Các tòa nhà lớn ở phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương bị xử lý cương quyết nên làm gương cho chủ các công trình vi phạm khác.
Trong số gần 400 nhà siêu mỏng, thành phố đã xử lý được khoảng 200 trường hợp, hiện còn 191 nhà tại 9 quận, huyện. Cùng với đó, Hà Nội cũng xử lý 142 cán bộ liên quan, trong đó khiển trách 44 người, cảnh cáo 30 người, cách chức 4 người, buộc thôi việc 5 người...
"Thành phố lập lại kỷ cương nên đội ngũ cán bộ quận, huyện, phường, xã có chuyển biến ý thức, quản lý chặt, xử lý cương quyết hơn. Đã có khoảng 10% cán bộ bị xử lý, song đổi lại cán bộ hiện hoạt động tích cực hơn, không né tránh xử lý vi phạm", ông Học nói.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng đưa ra nhiều vấn đề khó khăn khi giải quyết các trường hợp siêu mỏng, siêu méo như các cấp chính quyền vào cuộc còn chậm, lúng túng trong việc giải quyết và xử lý chưa quyết liệt, chưa đáp ứng được tiến độc thành phố đề ra.
Ngoài ra, việc hợp khối các thửa đất siêu mỏng còn khó khăn, một số hộ muốn hợp khối nhà nhưng không hợp thửa đất cũng chưa được chính quyền giải quyết. Với các thửa đất trong diện thành phố thu hồi, kinh phí đền bù rất lớn, như quận Ba Đình tạm tính thu hồi 36 trường hợp, kinh phí đã lên tới gần 450 tỷ đồng.
"Mỗi quận cần ít nhất 5 tỷ đồng, quận nhiều nhất như Ba Đình cần tới 450 tỷ đồng. Với 148 trường hợp siêu mỏng cần thu hồi thì cần số tiền rất lớn", ông Học nói.
Ngôi nhà siêu mỏng nằm trước trụ sở UBND xã Phú Diễn (Từ Liêm). Ảnh: Khánh Huyền. |
Ngoài ra, lãnh đạo Sở Xây dựng cũng cho biết, các quận, huyện lúng túng khi không biết sử dụng phần thu hồi đất để làm gì, có khu vực đã có nhiều bảng tin nên không thể làm thêm, cũng không thể làm chỗ để xe máy, không được sử dụng làm vỉa hè, cây xanh.
Đề cập việc hợp khối các thửa đất, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc cho rằng, theo quy định nhà diện tích dưới 15 m hoặc 3 m chiều rộng thì người dân không được phép xây dựng. Bản chất hợp khối phải quy về một chủ. Tuy nhiên, với các hộ dân mong muốn hợp khối song vẫn 2 chủ thì cần phải xác định tùy từng trường hợp, ngôi nhà đó có hợp với kiến trúc cảnh quan không hay là tồn tại trá hình. Hợp khối một ngôi nhà có hai chủ không phải là chủ trương của thành phố.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố đánh giá, kết quả xử lý trên 500 trường hợp sau một năm là chuyển biến tích cực, tiến bộ. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tồn tại lượng lớn các trường hợp lấn chiếm đất công và đất nông nghiệp, do vậy Sở Xây dựng cần phối hợp rà soát lại các trường hợp lấn chiếm. Nếu không quản lý chặt thì sau này các cấp lại phải giải quyết.
Ông Nam cũng cho rằng, tốc độ xử lý nhà siêu mỏng còn chậm cho thấy các quận huyện thiếu quyết liệt. Mặc dù các giải pháp đã rõ nhưng chưa chính quyền chưa giải quyết triệt để , ngại động chạm.
“Việc giải quyết nhà siêu mỏng là phức tạp song vẫn phải xử lý, nếu không làm thì bộ mặt của thành phố, con đường hàng nghìn tỷ sẽ bị thiệt hại, nên không đặt vấn đề tiền giải tỏa, cũng như không đặt việc lợi ích của nhà bên trong”, ông Nam nói.
Vị Trưởng ban Pháp chế cũng yêu cầu 2 sở Xây dựng và Quy hoạch Kiến trúc cần tập trung rà soát lại từng trường hợp nhà siêu mỏng để có báo cáo chính xác và phương án xử lý cụ thể. Ông cho biết, đi giám sát tại 2 quận đã thấy số liệu báo cáo về nhà siêu mỏng là không chính xác.
Đoàn Loan- Vnexpress