Theo cựu chuyên gia đàm phán Mỹ-Triều Robert Gallucci, mục tiêu đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều phải là một “hội nghị không thất bại”. Không bên nào được bỏ về trước chỉ bởi những gì bên kia nói hoặc làm, mà nên tiếp tục cuộc đàm phán. Mặt khác, theo ông Gallucci, hai bên cần xác định rõ ràng ý nghĩa của khái niệm phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Đến nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn muốn Triều Tiên cam kết “phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, còn nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un muốn tìm kiếm sự đảm bảo an ninh và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, điều sẽ giúp vực dậy nền kinh tế èo uột của nước ông. Tuy nhiên, chuyên gia Gallucci gợi ý rằng định nghĩa trên nên bao gồm cả việc loại bỏ vũ khí và linh kiện hạt nhân, tất cả nhiên liệu hạt nhân và năng lực sản xuất nhiên liệu hạt nhân của Triều Tiên – ám chỉ tới quá trình làm giàu urani. Như vậy, kể cả khi Triều Tiên lừa gạt và giữ lại một số vũ khí hạt nhân, họ cũng sẽ không có khả năng sản xuất thêm nữa.
Về phần mình, chuyên gia Suzanne DiMaggio thuộc tổ chức tư vấn New America tại New York cho rằng, kết quả thực tế và khả thi nhất cho hội nghị thượng đỉnh sẽ là một tuyên bố chung xác định phi hạt nhân hóa chính là "mục tiêu cuối cùng của một quá trình đã được xác định". Một quá trình như vậy sẽ giúp tìm ra một nền tảng trung gian giữa những gì hai bên mong muốn. Bà DiMaggio cho rằng, dường như hai bên đang tiến tới một sự thỏa hiệp giữa hai quan điểm, có lẽ là một cách tiếp cận theo từng giai đoạn trong một khoảng thời gian được xúc tiến nhanh hơn. Nếu chúng ta có thể thực hiện được điều đó, ít nhất chúng ta cũng có được nền tảng cho một điểm khởi đầu khả thi.
Theo chuyên gia DiMaggio, một cách khác để đạt thành công chính là các nhà lãnh đạo cho phép đội ngũ nhân viên của mình xử lý các vấn đề chi tiết, đây là những người đã giúp tạo thuận lợi cho các cuộc thảo luận chính thức đầu tiên giữa chính quyền Trump và chính quyền Triều Tiên ở Oslo hồi tháng 5/2017. Bà nói: “Kịch bản tốt nhất sẽ là, tại thời điểm này, Tổng thống Trump rút khỏi quá trình này và trao nó cho các nhà ngoại giao và các nhà đàm phán để xử lý những thông tin chi tiết”.
Các nhà lãnh đạo có thể đưa ra một cam kết với một quá trình như vậy bằng việc đồng ý để các văn phòng liên lạc ở Bình Nhưỡng và Washington giúp thiết lập các kênh truyền thông giữa hai bên. Joel Wit – thành viên tham gia các cuộc đàm phán năm 1994 và sau đó giám sát việc thực hiện thỏa thuận mà họ đã đề ra - cho biết những văn phòng như vậy ở Bình Nhưỡng, với các nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao và những nơi khác, được thành lập như một phần trong chương trình viện trợ lương thực hồi năm 2008 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush. Theo ông Wit, họ có thể sắp đặt một đường dây nóng giữa Washington và Bình Nhưỡng. Một đường dây nóng như vậy đã tồn tại trong những năm 90 của thế kỷ trước giữa Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Ngoại giao Triều Tiên.
Những lần Triều Tiên hạn chế chương trình hạt nhân của mình trong quá khứ chỉ diễn ra khi các thanh tra quốc tế bắt đầu việc thẩm tra. Thời kỳ ngoại giao “tốt đẹp nhất” giữa Mỹ và Triều Tiên là vào những năm 90 của thế kỷ XX, khi chính quyền Triều Tiên cho phép các thanh tra chứng kiến việc đóng băng các cơ sở sản xuất và việc ngừng xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân. Chuyên gia Wit nhận định rằng các thanh tra hiện nay có thể phát hiện việc Triều Tiên gian lận đủ nhanh "để tránh làm tổn thương hoặc đe dọa nền an ninh quốc gia của chúng ta”. Theo ông, “thách thức lớn đầu tiên" của hội nghị thượng đỉnh tại Singapore "là liệu Triều Tiên có đồng ý điều đó”.