Ảnh minh họa |
Theo BGC, các ngân hàng toàn cầu có thể tăng mức định giá tài sản lên tổng cộng 7.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới, khi nỗ lực thực hiện các bước cải tiến quan trọng, để thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng suất.
Báo cáo viết: “Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sự bi quan về triển vọng của các ngân hàng là lợi nhuận giảm đáng kể”.
Năm 2022, khoảng 75% cổ phiếu ngành ngân hàng có tỷ lệ P/B dưới 1, trong khi hệ số giá trên thu nhập giảm về con số gần bằng một nửa mức của năm 2008.
Cùng thời điểm, lợi tức trả cho các cổ đông sở hữu cổ phiếu ngân hàng đã sụt giảm đáng kể so lợi tức từ cổ phiếu thuộc các lĩnh vực lớn khác trên thị trường. Thậm chí khoảng cách đó đang ngày càng lớn hơn.
BGC khẳng định, ngay cả khi các ngân hàng đã tăng cường đầu tư vào năng suất và đơn giản hóa hoạt động kinh doanh để cắt giảm chi phí, thì lợi nhuận của họ vẫn phải chịu áp lực từ yêu cầu về vốn cao hơn và sự cạnh tranh gia tăng của những công ty tài chính kiểu mới, như công ty tài chính công nghệ.
Các chuyên gia BGC phân tích: “Các ngân hàng toàn cầu sẽ không có khả năng quay trở lại mức lợi nhuận và mức định giá đã đạt được trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008”.
Trong bản báo cáo triển vọng kinh tế 2024 công bố ngày 4/12/2023, hãng xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's đã cảnh báo, các ngân hàng trên toàn cầu sẽ phải hoạt động trong một môi trường khó khăn hơn, bao gồm nợ xấu tăng, tác động từ cuộc xung đột Israel - Hamas, cũng như các thách thức lớn liên quan đến sản phẩm tín dụng.
Moody’s nhận định, lợi nhuận của các ngân hàng dự kiến suy giảm nhưng sẽ vẫn ổn định. Khi các ngân hàng trung ương tạm dừng tăng lãi suất và chi phí vốn tăng lên, biên lãi ròng của các ngân hàng có thể duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ.
Điều đáng lưu ý là mức vốn, đóng vai trò then chốt cho sự ổn định tài chính của các ngân hàng, dự kiến được duy trì tốt./.