Vụ lúa Hè thu 2017,al-nassr – al wehda Hậu Giang xuống giống trên 77.000ha và hiện bước vào thời điểm thu hoạch rộ. Lúc này tại các cánh đồng, thương lái thu mua lúa tươi với giá khá cao nhưng nhà nông vẫn không mấy phấn khởi.
Mặc dù giá lúa khá cao, nhưng không ít nhà nông trên địa bàn tỉnh vẫn buồn vì năng suất vụ lúa Hè thu 2017 đạt thấp.
Thu hoạch xong 10 công lúa giống OM 5451, ông Nguyễn Lê Văn Thích, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, không mấy vui vì năng suất thấp. Theo ông Thích, lúa thất một phần do thời tiết bất lợi xảy ra, một phần cũng do người dân sau khi thu hoạch lúa xong không cho đất nghỉ ngơi mà tất bật cày ải, làm đất, ngâm giống để gieo sạ vụ lúa tiếp theo.
“Vụ lúa Hè thu này, tôi thấy các chủ ruộng lân cận be bờ, tát nước thì tôi cũng nôn nóng gieo sạ theo, sợ làm không đồng loạt sẽ khó bán. Do thời gian cách ly ngắn, kết hợp với đất phèn nên 10 công ruộng gieo sạ giống OM 5451 của tôi bị ngộ độc hữu cơ. Chưa kể đến giai đoạn làm đòng gặp phải mưa, lúa sập nên năng suất chỉ đạt 500kg lúa tươi/công, giảm hơn 200kg so với cùng kỳ năm rồi. Nhưng điểm được là bán với giá 5.000 đồng/kg nên tôi thu lợi nhuận về gần 1 triệu đồng/công”, ông Thích chia sẻ thêm.
Theo ngành chuyên môn tỉnh, mấy năm gần đây, tình trạng xé rào gieo sạ lúa của người dân đã làm ảnh hưởng lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà. Ngoài ra, trên thị trường giá thu mua lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Hậu Giang nói riêng không ổn định nên điệp khúc “thất mùa được giá” vẫn cứ tiếp tục xảy ra. Bà Nguyễn Thị Như, ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A, cho rằng do làm diện tích nhỏ lẻ và thời tiết nắng nóng kéo dài nên năm nay ruộng lúa nhà bà cũng như cánh đồng lân cận ở địa phương mọc đầy cỏ dại, sâu rầy gây hại nhiều. Vì vậy, sau khi thu hoạch xong 6 công lúa IR 50404, năng suất chỉ đạt khoảng 600kg lúa tươi/công và bán với giá 4.600 đồng/kg lúa tươi nên bà mất gần 3 triệu đồng/vụ vì năng suất lúa thấp hơn 100kg lúa tươi/công so những hộ dân làm lúa Hè thu đầu vụ”.
Còn ông Trần Văn Nguyên, ở ấp 6, xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, bày tỏ: “Tôi mới vừa lấy tiền cọc với giá 5.100 đồng/kg lúa tươi giống OM 5451, cao hơn 200 đồng/kg lúa tươi so với nửa tháng trước đây. Với giá này, người dân đã có lời rồi. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua, mưa lớn kèm theo dông nên 8 công lúa của tôi sập với diện tích khá rộng, như vậy chắc chắn năng suất bị ảnh hưởng và chỉ mong tới đây kiếm khoảng 650-700kg lúa tươi/công là mừng rồi”.
Ông Nguyễn Thế Tự, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, nhìn nhận: Như mọi năm, năng suất vụ lúa Hè thu này khá cao. Ngược lại năm nay do ảnh hưởng bởi nhiều nguyên nhân, trong đó yếu tố thời tiết đã tạo điều kiện thuận lợi để côn trùng, sinh vật gây hại trên lúa nhiều, từ đó làm ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, điều đáng phấn khởi là hiện giá lúa đã tăng hơn 200 đồng/kg so với đầu vụ nên người dân rất vui.
“Do đó, để hạn chế thất thoát năng suất, đặc biệt là đối với các ruộng lúa gieo sạ trễ, trước mắt người dân cần chủ động thăm đồng thường xuyên, chú ý khi gieo sạ các vụ tiếp theo nên chọn giống lúa cứng cây. Ngoài ra, khi lúa đang ở giai đoạn làm đòng và trổ chín, người dân cần rút nước khô nhằm giúp nuôi dưỡng bộ rễ của lúa, hạn chế đổ ngã, bảo vệ tốt năng suất”, ông Tự khuyến cáo.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, tính đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch hơn 40.000ha trong tổng số gần 78.000ha lúa Hè thu 2017, năng suất ước đạt 6,3 tấn/ha. Số diện tích còn lại, nông dân ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp và Vị Thủy… vẫn tiếp tục gấp rút thu hoạch, hạn chế thất thoát năng suất, đảm bảo kinh tế gia đình. |
Bài, ảnh: CHÍ CÔNG