Đặc biệt, trong thời đại công nghiệp 4.0, vấn nạn này còn diễn ra trên kênh thương mại điện tử với nhiều mặt hàng được rao bán công khai. Các đối tượng nhân đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng lừa đảo, gian lận về mẫu mã, giá cả, chất lượng hàng hóa, kinh doanh giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền ở hữu trí tuệ.
Ông Nguyễn Tri Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách miền Nam Quỹ Chống hàng giả cho biết, hậu quả hệ lụy của vấn nạn hàng giả, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, làm mất uy tín của những doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, khiến người tiêu dùng hiểu lầm, tẩy chay không dùng sản phẩm đó…, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, sự an toàn của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.
Trong khi đó, theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) Nguyễn Minh Tiến, việc xử lý vẫn chưa triệt để vì người tiêu dùng có tâm lý thích hàng ngoại, trong khi hàng ngoại giá cao nên chọn hàng nhái, hàng giả.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp cũng chưa có ý thức đăng ký sở hữu trí tuệ, chủ động phát hiện, tố cáo đến cơ quan chức năng khi sản phẩm, nhãn hiệu hàng hóa bị xâm phạm… đã khiến hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại.
Trước vấn nạn này, Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương đã chỉ đạo lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý vẫn chưa triệt để, các văn bản pháp luật chưa thống nhất trong xử phạt vi phạm.
Trong khi hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ phần lớn được sản xuất từ nước ngoài, các đối tượng vi phạm sử dụng kỹ thuật công nghệ cao để sản xuất hàng hóa, nhãn mác rất giống với các thương hiệu thật, rất khó phân biệt…, ông Tiến cho biết thêm.
Theo đó, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp nên “xác lập quyền tự bảo vệ” thông qua đăng ký sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa.
Với chứng nhận sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp khi bị vi phạm có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và có thể khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ mình.
Ông Hồ Quang Thái, Phó Chủ tịch thường trực ACF cho biết, bên cạnh việc hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong nước nâng cao hiệu quả phòng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu năm 2019, dự kiến ACF sẽ ký kết với Hiệp hội JICA (Nhật Bản) và tiến tới một số hiệp hội của châu Âu, đặc biệt là của Pháp, Đức hình thành cơ chế phối hợp trong việc đưa sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam và đưa ra thị trường đảm bảo đúng sản phẩm thật, tránh đối tượng nhập lậu, hàng xách tay, hàng không có xuất xứ trà trộn vào nhóm hàng NK chính hãng, tránh thất thu cho doanh nghiệp NK chân chính.