【tỷ số trận atletico】Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

 Tác giả Lê Trung Kiên (bên trái) và tác phẩm "Phiên nhiên"

Trong khuôn khổ “Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024” (tổ chức tại Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế), 44 tác phẩm của 39 tác giả trẻ, là những sáng tác mới trong năm qua đang được trưng bày. Các tác phẩm lần này được thể hiện qua nhiều thể loại tạo hình như: nghệ thuật sắp đặt, video art (nghệ thuật thu và phát hình ảnh động), tranh giá vẽ, điêu khắc tượng tròn, phù điêu…, với đa dạng chất liệu như đồ họa in đồng, collagraphy, đồ họa trúc chỉ, chất liệu tổng hợp, in khắc gỗ, lụa, sơn dầu, acrylic, than, màu nước, sơn mài, đất nung, gò đồng… Các tác phẩm mang sắc màu phong phú được những tác giả trẻ của Cố đô Huế thể hiện chứng minh sự tươi mới trong từng phong cách, đánh dấu sự kiếm tìm và trải nghiệm với những biểu hiện mới đầy hứa hẹn. Mỗi tác phẩm tham dự triển lãm lần này đều mang sự ẩn dụ mà tác giả muốn gửi đến cho xã hội đầy nhân văn. Đó có thể là những thông điệp về đời sống nhân sinh, những vấn đề thời sự trong cuộc sống hiện đại mà con người phải đối diện hằng ngày, hay đơn giản hơn là các vấn đề mà người trẻ hiện nay quan tâm.

Lê Trung Kiên (sinh năm 1993), chủ nhân của tác phẩm “Phiên nhiên” đạt giải Mỹ thuật trẻ 2024, một trong 39 họa sĩ tham gia triển lãm cho biết: “Mình luôn tin rằng, để phát triển và trưởng thành trong sự nghiệp nghệ thuật, việc tham gia các cuộc thi và sự kiện là vô cùng quan trọng. Đó là cơ hội để người nghệ sĩ không đơn lẻ trong hành trình làm nghệ thuật. Mỗi cuộc triển lãm là một cơ hội giao lưu, tiếp xúc trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Thậm chí, được ngắm nhìn các tác phẩm, những “đứa con” đa hình sắc của các đồng nghiệp đã là cơ hội học hỏi và trau dồi kinh nghiệm lớn của người nghệ sĩ”. Mang tác phẩm - đứa con tinh thần - được thai nghén trong năm vừa qua tham gia triển lãm là để thử thách, đồng thời khám phá tiềm năng bản thân trong lĩnh vực mỹ thuật của nghệ sĩ. Lần này Trung Kiên đã đem đến cho những con người yêu mỹ thuật tác phẩm phù điêu mà với anh là một tác phẩm thể hiện rõ nét góc nhìn của bản thân về cuộc sống. Dưới con mắt của người họa sĩ trẻ, anh nhìn nhận đời sống hiện hữu luôn phát triển, hướng đến mục đích toàn thiện, tốt đẹp, có nguồn cội, có sự chuyển hóa không ngừng nghỉ và không bao giờ kết thúc. Dưới đôi bàn tay tài hoa của anh, tác phẩm “Phiên nhiên” mang ý nghĩa là cái chuyển vận cốt lõi của tự nhiên hiện hữu, đồng thời là sự huyền bí xa xăm nằm bên ngoài cái tự nhiên trần trụi.

Cũng là tác phẩm nhận giải thưởng Mỹ thuật trẻ 2024, “Mộng du” lại thể hiện chính tâm tư tác giả Trần Ngọc Bảy về cuộc sống hiện tại, giữa thời buổi xã hội 4.0. Với anh, người nghệ sĩ vốn mang tâm hồn nhạy cảm và “sống chậm” giữa cuộc sống đang ngày càng vội vàng. Anh cảm thán: “Nhiều lúc mình loay hoay giữa vòng xoáy cuộc đời với đủ những cung bậc cảm xúc bất định. Nó làm bản thân có những giây phút mơ hồ giữa chính cuộc sống của mình, khiến bản thân đôi khi mất phương hướng trước tốc độ chi phối của vị nhân sinh hay vị nghệ thuật”. Những lúc ấy, anh luôn tự nhủ phải cân bằng được điều cốt lõi trong cuộc sống cá nhân để không bị sóng đời đào thải. Chính những suy nghĩ ấy cộng thêm cái khát khao và tham vọng của một tâm hồn còn trẻ được Ngọc Bảy bộc bạch đầy đủ lên tác phẩm “Mộng du” và thành công truyền tải đến người xem triết lý nhân sinh qua lăng kính nghệ thuật.

Bắt đầu từ năm 2016, triển lãm mỹ thuật trẻ cho đến nay vẫn là nơi các nghệ sĩ trẻ ở Huế khẳng định bản thân và được công chúng biết đến nhiều hơn. Không đơn giản là một sự kiện mỹ thuật, triển lãm mỹ thuật trẻ còn là cơ hội thúc đẩy, là “sân chơi” để những người nghệ sĩ của vùng đất Cố đô được cống hiến và hoàn thiện “con người nghệ thuật” của mình. Triển lãm mỹ thuật trẻ làm phong phú hơn các hình thái sinh hoạt nghệ thuật của người nghệ sĩ, cũng là nơi đến cho giới trẻ yêu nghệ thuật. Ông Nguyễn Thiện Đức, Chủ tịch Chi Hội Mỹ thuật Việt Nam tại Huế hy vọng sự kiện mỹ thuật trẻ hằng năm sẽ “mang những thể nghiệm nghệ thuật mới đến gần với thực tiễn cuộc sống xã hội, rút ngắn dần khoảng cách giữa nghệ thuật, giữa người sáng tạo và công chúng thưởng lãm”.