Việc ca sĩ ảo đầu tiên phát hành MV tại Việt Nam cách đây không lâu dù gây nhiều tranh cãi,ạochơivườnnghệthuậkết quả đá bóng ngoại hạng anh nhưng khẳng định trí tuệ nhân tạo (AI) đã thực sự khiến mọi người phải suy nghĩ, nhất là tác động của nó tới văn học, nghệ thuật.
Sản phẩm từ AI tại Việt Nam: ca sĩ Ann (trái) và quyển sách “NYM - Tôi của tương lai”.
Công nghệ giả lập giọng nói bằng AI không còn xa lạ, nhưng AI biến giọng nói thành giọng hát là điều chưa phổ biến ở Việt Nam, nên việc ca sĩ ảo Ann phát hành MV “Làm sao nói thương anh” tạo nhiều bất ngờ thú vị. Ann, do BoBo Đặng sáng lập, là sự kết hợp giữa thuật toán AI và các âm thanh thật, tạo nên chất giọng và âm sắc riêng biệt. Dù xử lý còn khá đơn giản, nhưng giọng hát này có thể chấp nhận được ở một chừng mực, phụ thuộc vào kỹ thuật phòng thu và lọc âm che đi hạn chế, làm khán giả khó lòng nhận ra giọng hát ảo. Lời bài hát nhẹ nhàng, dễ cảm, về câu chuyện tình yêu nhẹ nhàng, rất gần gũi với giới trẻ...
Ca sĩ ảo mới xuất hiện ở Việt Nam, nhưng trên thế giới, nhất là châu Á, đã có từ lâu. Những giọng ca tạo được dấu ấn khi mới ra mắt như: Lạc Thiên Y (Trung Quốc), Adam (Hàn Quốc), Hatsune Miku (Nhật Bản)... Tuy nhiên, chỉ xuất hiện một thời gian ngắn rồi họ bị quên lãng. Còn ê kíp thực hiện Ann tại Việt Nam lại tự tin với sản phẩm của mình. Họ cho rằng ca sĩ ảo có lợi thế riêng, đó là trẻ không già, không dính bê bối đời tư, hay lùm xùm với công ty quản lý, cũng không scandal... Sản phẩm đầu tiên chỉ là sự thăm dò, để có thể tiến sâu, tham gia các hoạt động trình diễn, phim ảnh, thời trang... Đây là điều hứa hẹn sẽ tạo nên sự mới lạ, làm phong phú thị trường âm nhạc, đáp ứng đa dạng thị hiếu của khán giả. Sự xuất hiện của ca sĩ ảo vừa gây tò mò, vừa tạo sự thú vị nhưng cũng khiến khán giả băn khoăn liệu ca sĩ ảo có chiếm ngôi ca sĩ thật. Tuy nhiên, khi xem sản phẩm này, thì cảm nhận đây chỉ là góp thêm một sản phẩm âm nhạc mới lạ, thú vị từ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ...
Không chỉ tấn công ở lĩnh vực âm nhạc, AI còn đi vào cả văn học, hội họa... Trên thế giới có nhiều tác phẩm văn học có sự kết hợp giữa con người và AI. Thậm chí, AI còn “du ngoạn” vào hội họa và những tác phẩm ra đời từ AI cũng đã xuất hiện ở các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật, thậm chí có tác phẩm đã cạnh tranh giải thưởng sòng phẳng với họa sĩ. Để AI có thể viết, con người phải quyết định cốt truyện, sau đó nhập từ, cụm từ của một cuốn tiểu thuyết hiện có vào máy tính và máy tính căn cứ vào đó để tạo ra một cuốn sách mới... Nghe có vẻ lạ, nhưng thị trường sách ảo trên thế giới đã rất sôi động nhiều năm qua.
Ở Việt Nam, cũng đã có quyển “NYM - Tôi của tương lai”, ra đời cách nay 2 năm, là cuốn sách đầu tiên của tác giả Nguyễn Phi Vân kết hợp với AI viết. Ngay khi ra mắt, quyển sách đã được các bạn trẻ đón nhận, bởi chứa đựng nhiều thông tin về bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0, cách thức thế giới đang khai thác vạn vật, người máy sẽ thay thế con người trong tương lai... Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng đây là cuốn sách kỹ năng và phổ biến kiến thức, hơn là một tác phẩm văn học. Đây là lợi thế của AI, bởi máy móc chỉ có thể nhanh, chính xác, chứ không thể có cảm xúc, trí tưởng tượng trong câu chuyện.
AI có khả năng làm nhiều điều vượt ngoài tưởng tượng của con người. Khi được cung cấp một hệ thống dữ liệu đầu vào hoàn chỉnh, AI sẽ tự nghiên cứu, chế tác sản phẩm đầu ra nhanh chóng như mong muốn của người thiết kế. Tuy nhiên, với lĩnh vực nghệ thuật, việc tạo ra một sản phẩm nghệ thuật từ AI ở thời điểm này chỉ có thể xem là cuộc dạo chơi, thổi một luồng gió đầy thú vị. Bởi nghệ thuật đòi hỏi nhiều yếu tố, ngoài tài năng thiên bẩm còn là sự sáng tạo, trải nghiệm, cảm xúc, kết nối với khán giả..., là những điều mà AI không thể có.
THẢO HƯƠNG