Những ngày cuối tháng chạp, llịch bóng đá vl dù chưa bước vào vụ mùa thu hoạch nhưng để tìm được già làng Điểu Đố thì vô cùng khó. Bởi phần lớn thời gian ông dành cho lao động, sản xuất nên ở rẫy nhiều hơn ở nhà. Mà rẫy của ông thì bạt ngàn, biết ở đám nào mà tìm. Vì thế, nếu không nhờ mấy người con ông dẫn đường thì chắc là gặp ông khó hơn cả lên núi bắt cá.
Già làng Điểu Đố cùng người vợ thứ thăm đồng ruộng
Bí quyết sống trường thọ
Theo giấy chứng minh nhân dân thì năm nay già làng Điểu Đố tròn 101 tuổi và tháng 7-2020, ông được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng thiếp mừng thọ 100 tuổi. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương thì tuổi thật của ông khoảng 95. Nhưng chuyện đó không là vấn đề, quan trọng là ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng dáng hình ông vẫn vạm vỡ, rắn chắc, tinh thần minh mẫn, bước chân thoăn thoắt, tiếng cười sang sảng. Già làng Điểu Đố có nước da màu đồng hun, chỉ cần có chút mồ hôi là lên nước bóng loáng như những cây cột nhà dài hơn trăm tuổi của ông vậy.
Chia sẻ về bí quyết sống trường thọ, ông nói rằng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và do cơ địa của mỗi người. Trước đây, ông chỉ uống duy nhất 1 loại lá rừng sống trên rẫy nhưng ngày nay do sử dụng thuốc diệt cỏ, phân bón hóa học nhiều nên không còn nữa. Thức ăn chủ yếu từ thiên nhiên như lá nhíp, lá mướp, đọt mây trồng quanh vườn nhà, trên rẫy và các loại cá, tôm, tép bắt được ở khe, suối. Đối với ông, để có được sức khỏe quan trọng nhất vẫn là tinh thần lạc quan, yêu đời, yêu thương vợ con và đặc biệt hăng say lao động, sản xuất.
Ông kể: Trước đây, khi các con còn nhỏ, cứ mờ sáng tôi lại nhịn đói cuốc bộ 2km lên rẫy làm trước, vợ con nắm cơm đưa lên sau. Hồi đó không có đồng hồ nên cứ làm quần quật một hơi, khi nào cảm thấy mệt thì nghỉ chứ không có chuyện canh thời gian, giờ giấc như bây giờ. Những năm gần đây, các con trưởng thành nên tôi không trực tiếp sản xuất nữa nhưng vẫn lên rẫy đều đặn mỗi ngày, trừ trường hợp đặc biệt.
Chị Thị Hiên, con dâu của ông cho biết: “Ba chồng tôi không thích ở nhà mà cuộc đời gần như gắn với công việc, đồng áng, nương, rẫy. Đi làm từ lúc chưa ai ngủ dậy và về đến nhà khi mặt trời đã đi ngủ. Vì thế, cả gia đình ai cũng quý trọng và lấy đó làm gương”.
Miệt mài lao động, sản xuất nên trong nhà ông lúc nào cũng dành 2 kho chất đầy lúa. Với ông, lúa gạo là lương thực nuôi sống cả gia đình hàng chục năm qua nên không thể để thiếu dù 1 ngày. Trải qua hàng chục năm sinh sống, tài sản của gia đình ông vẫn ổn định và gần như lớn nhất ở sóc Bù Môn với 20 ha cao su, điều, 1,5 ha lúa nước và hơn 20 con trâu, bò. Do lớn tuổi nên ông đã chia đều cho các con và chỉ giữ lại một phần.
Già làng có 3 người vợ (người vợ cả mất cách đây 8 năm) với 17 người con, trong đó 6 con trai, 11 con gái. Hiện tất cả đều lập gia đình và ở riêng; trong đó, người con gái út sinh năm 2000, tức ông “sản xuất” con ở tuổi 80. Dù nhiều vợ, đông con nhưng mọi người trong đại gia đình luôn biết kính trên nhường dưới, sống hòa thuận, hạnh phúc. Chia sẻ về bí quyết “giữ lửa” hạnh phúc gia đình, già làng cho biết: Mọi thứ đều do ta cả. Mình là “nhạc trưởng”, trung tâm của sự đoàn kết nên phải biết lo toan, vun vén mọi thứ, từ cái nhỏ nhất. Đặc biệt, tôi dạy vợ con không được nghe kẻ xấu xúi giục và nói xấu người vắng mặt.
“Truyền thống thì phải giữ”
Ngày nay, cùng với sự thay đổi hình thức sản xuất, phát triển của đời sống xã hội, sự giao thoa văn hóa nên nhiều lễ hội, phong tục tập quán truyền thống cũng như các cổ vật của người S’tiêng dần mai một. Nhưng đối với già làng Điểu Đố thì các cổ vật vẫn trường tồn với thời gian.
Già làng hiện còn lưu giữ hơn 100 tố, ché, xà lung giá trị
Trong vô số cổ vật còn lưu giữ thì ấn tượng nhất vẫn là ngôi nhà dài. Đây là ngôi nhà “độc nhất vô nhị” còn sót lại ở Bình Phước và khác hẳn với những ngôi nhà khác. Mặc dù ngoài trời nắng gắt nhưng vào nhà thì cảm thấy rất dễ chịu vì không khí mát mẻ. Ngôi nhà cao khoảng 4,5m, dài 8m, rộng hơn 6m, nền đất, mái, cội làm hoàn toàn từ cây, lá rừng. Ông Điểu Đố cũng không biết ngôi nhà hình thành từ bao giờ, chỉ biết rằng khi ông sinh ra đã có nó rồi. Và đến nay ngôi nhà vẫn lưu giữ hình dáng nguyên vẹn xưa kia và được lấy làm mẫu để dựng nhà truyền thống tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.
Trong căn nhà, ngoài bếp củi và hành lang đi lại thì phần lớn được ghép thành sàn bằng cây lồ ô để làm giường ngủ và đựng các sản vật quý. Quan sát trong ngôi nhà dài có rất nhiều món đồ cổ đặc trưng của người S’tiêng, giá trị tiền tỷ và hình như không có thứ gì mà già làng này không lưu giữ. Nào là tố, ché, xà lung, sừng trâu, gùi, xá, cho đến cây phóng lao, vòi uống rượu cần, bộ cồng chiêng... Điều đáng trân trọng đối với già làng Điểu Đố là dù khó khăn đến đâu cũng không bán đi sản vật quý giá của mình. Nhiều gia đình S’tiêng giàu có khi cưới vợ cho con, nhà gái đòi xà lung, tố quý phải tìm đến ông mua hay các thương lái thấy có đồ vật quý hiếm hỏi mua với giá cao nhưng tất cả đều nhận được cái lắc đầu. Bởi với ông đơn giản chỉ là “truyền thống thì phải giữ”.
Sáng lên rẫy, chiều về nhà nhưng già làng vẫn đi chân trần, khoác lên vai một cây xà gạc, đôi khi là một cây lao hay một cái nỏ. Và trong trang phục truyền thống nhìn già làng như một dũng sĩ của núi rừng. Chỉ cần như vậy đủ để thấy, già Điểu Đố là người yêu và luôn bảo vệ, lưu giữ các giá trị truyền thống của người S’tiêng. Ông là già làng “độc nhất vô nhị” ở Bình Phước.