400 vận động viên đã tham dự trực tiếp tại điểm cầu Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội. Cùng dự còn có các vận động viên thuộc các đội tuyển đang tập huấn tại các địa điểm khác ở Hà Nội và Hải Phòng tham dự theo hình thức trực tuyến.
Tại Hội thảo, các vận động viên đã được nghe các chuyên gia trình bày các chuyên đề gồm: Thể Thao Việt Nam khám phá nguồn thu và cơ hội mới sau sự nghiệp thi đấu; Bảo vệ quyền lợi vận động viên trong thi đấu và vấn đề bình đẳng giới trong thể thao; Câu chuyện khởi nghiệp cho các vận động viên sau khi kết thúc thi đấu đỉnh cao.
Những kỹ năng mềm quan trọng giúp vận động viên chinh phục thị trường việc làm, thành công trong sự nghiệp mới; Kỹ năng trao đổi và làm việc với Truyền thông cho các vận động viên Việt Nam; Hướng đi mới dành cho các vận động viên chuyên nghiệp với chương trình Cử nhân Quản trị kinh doanh dành cho các tài năng thể thao...
Tại Hội thảo, các VĐV cũng đã có những chia sẻ, trao đổi trực tiếp với các diễn giả về các vấn đề như giải toả áp lực trong tập luyện và thi đấu, cách phân bổ thời gian cho việc học sau quá trình tập luyện căng thẳng hàng ngày cũng như việc trang bị các hành trang cần thiết trước khi giã nghiệp.
Theo các chuyên gia, thể thao là một loại hình nghề nghiệp đặc biệt bởi đặc thù về công việc và môi trường lao động. Vận động viên thể thao cũng được coi là người lao động đặc biệt, có những phẩm chất, kỹ năng chỉ được hình thành qua quá trình dày công gian khổ rèn luyện.
Tuy là một loại hình lao động đặc biệt, song nếu xét về tuổi nghề thì vận động viên thể thao có thể được xếp vào một trong số những nghề nghiệp mà người lao động có tuổi nghề ngắn nhất.
Tính trung bình sự nghiệp thi đấu của một vận động viên thể thao chỉ kéo dài từ 10 - 15 năm (tuỳ theo đặc thù từng môn thể thao). Phần lớn các vận động viên thể thao thường kết thúc sự nghiệp ở độ tuổi từ 25- 30 tuổi, ở thời điểm mà thể lực có những dấu hiệu đi xuống.
Chỉ ở một số ít môn thể thao không đòi hỏi sử dụng thể lực mà thiên về trí tuệ, sự khéo léo thì tuổi nghề của vận động viên thể thao có thể kéo dài hơn, như các môn Cờ, Bắn súng, Golf, Billiard & Snooker....
Trong thời gian qua, một trong những vấn đề quan trọng đã được thảo luận, chất vấn tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV là giải quyết việc làm cho vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao.
Trong thời gian qua, ngành TDTT đã tích cực tìm kiếm đối tác cấp học bổng và cơ hội việc làm cho các vận động viên như ký thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Đại Nam… về việc đào tạo cử nhân, thạc sĩ đặc biệt cho vận động viên đạt thành tích xuất sắc; Ký thỏa thuận hợp tác với Hội doanh nhân trẻ Việt Nam về việc tạo việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho các vận động viên thể thao có thành tích cao sau khi không còn thi đấu chuyên nghiệp.
Cục TDTT cũng đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần Alphanam về bảo trợ nghề nghiệp cho các vận động viên đội tuyển thể thao quốc gia có mong muốn làm việc trong ngành du lịch - khách sạn (trong đó có cả việc làm bán thời gian trong khi vận động viên đang tập trung tập huấn)…
Tuy nhiên việc đào tạo, hướng nghiệp, chuyển đổi nghề đối với vận động viên sau khi kết thúc thi đấu còn gặp khó khăn do trình độ học vấn của các vận động viên chưa phù hợp với đa số ngành nghề khác của xã hội.
Hội thảo Hướng nghiệp cho vận động viên được Ủy ban Olympic Việt Nam tổ chức lần đầu tiên tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Nẵng đã tạo được ấn tượng tốt đẹp cho các vận động viên.
Và ở lần thứ 2 được tổ chức tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Hà Nội này, Hội thảo được chờ đợi sẽ cung cấp thông tin hữu ích, kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp giúp các vận động viên chủ động tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp, đúng với năng lực, ngành nghề và sở trường của mình cũng như trang bị kiến thức, kỹ năng cho các VĐV tự tin, sáng tạo, chủ động tìm việc làm và tự tạo ra việc làm sau khi ngừng thi đấu.