Kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu về nợ công
Theo đánh giá chung, dưới sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác quản lý nợ công, nợ chính phủ trong thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Các chỉ tiêu nợ được kiểm soát chặt chẽ và về cơ bản nằm trong giới hạn theo nghị quyết của Quốc hội.
Đến cuối năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19 đối với thu, chi, bội chi ngân sách nhà nước (NSNN), tỷ lệ nợ chính phủ so với GDP kiểm soát tương đối tốt, ở mức khoảng 49,1%.
Rủi ro tái cấp vốn/thanh khoản đã được cải thiện đáng kể với việc kiên định triển khai các biện pháp kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) trong nước, trong khi các khoản vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ nhìn chung vẫn có kỳ hạn dài.
Nhìn chung mặt bằng lãi suất bình quân nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn duy trì ở mức thấp, bình quân gia quyền khoảng 1,4%/năm (do 98% khoản vay nước ngoài có điều kiện ODA, ưu đãi). Yếu tố này góp phần quan trọng giúp duy trì chỉ tiêu trả nợ trên thu NSNN trong giới hạn được Quốc hội cho phép và được Quỹ Tiền tệ quốc tế cũng như các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đánh giá tích cực khi phân tích bền vững danh mục nợ nước ngoài của Việt Nam.
Từ thực tiễn về kết quả đạt được trong lĩnh vực quản lý nợ công thì việc Việt Nam được gia nhập nhóm quốc gia thu nhập trung bình là một dấu mốc quan trọng, mở ra nhiều khả năng mới để quản lý nợ chủ động, hiệu quả. Ở trong nước, sự phát triển nhanh chóng của các thị trường trái phiếu đem lại cơ hội huy động nợ tương đối dài hạn với chi phí hợp lý. Nhìn từ nước ngoài, Việt Nam vẫn tiếp cận được nguồn vay ODA, vay ưu đãi với lãi suất thấp hơn điều kiện thị trường, đồng thời cũng có thể huy động nguồn vay thương mại, dự kiến sẽ có chi phí phù hợp hơn khi Việt Nam tiếp tục vươn lên về phát triển kinh tế.
Tuy vậy, khủng hoảng từ dịch Covid-19 đặt ra nhu cầu huy động tài chính ngoài dự kiến trong ngắn hạn và trung hạn; trong điều kiện Việt Nam đã tốt nghiệp điều kiện vay IDA và không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi cao, giá rẻ như trước, nước ta sẽ phải dựa nhiều hơn vào các công cụ thị trường và càng đòi hỏi phải có kế hoạch vay, trả nợ công trung, dài hạn thận trọng, linh hoạt để hạn chế những hệ quả tiêu cực lâu dài.
Đảm bảo nhu cầu huy động vốn
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính đã khẩn trương xây dựng, trình lãnh đạo Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 856/QĐ-TTg về Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021 - 2023 và Kế hoạch vay trả nợ công năm 2021.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổng mức vay của Chính phủ khoảng 1.738,4 nghìn tỷ đồng; trong đó, vay cho ngân sách trung ương khoảng 1.604 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 134,4 nghìn tỷ đồng.
Về bảo lãnh chính phủ, đối với 2 ngân hàng chính sách, khống chế mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc hàng năm. Hạn chế cấp bảo lãnh mới cho doanh nghiệp vay trong nước cũng như vay nước ngoài; hạn mức bảo lãnh vay trong nước, nước ngoài hàng năm đảm bảo tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh chính phủ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước.
Về hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả, kiểm soát số tăng dư nợ ngắn hạn tối đa 18% - 20%/năm. Hạn mức vay ròng trung, dài hạn hàng năm tối đa khoảng 6.350 - 7.000 triệu USD, bảo đảm chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.
Trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định vay là 624.221 tỷ đồng, gồm vay trong nước 527.357 tỷ đồng và vay nước ngoài 96.864 tỷ đồng. Bao gồm vay cho cân đối ngân sách trung ương là 579.772 tỷ đồng; trong đó, vay để bù đắp bội chi 318.870 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc 260.902 tỷ đồng; vay về cho vay lại 44.449 tỷ đồng.
Nguồn kinh phí triển khai chương trình được bố trí từ ngân sách nhà nước, huy động từ các nguồn vốn tài trợ nước ngoài và nguồn phí được sử dụng từ phí cho vay lại và phần trích bảo lãnh theo quy định...
Năm 2021, trả nợ của Chính phủ 394.506 tỷ đồng, trong đó, trả nợ trực tiếp của Chính phủ 366.224 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 28.282 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương năm 2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay khác với số tiền khoảng 28.797 tỷ đồng; trả nợ của chính quyền địa phương 6.662 tỷ đồng, gồm chi trả gốc 3.997 tỷ đồng và chi trả lãi 2.665 tỷ đồng.
Về vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 6.350 triệu USD.
Cơ bản đảm bảo nhu cầu huy động vốn cân đối cho NSNN Theo đánh giá của đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2021 - 2023 về cơ bản đảm bảo nhu cầu huy động vốn cân đối cho ngân sách nhà nước (NSNN) với mục tiêu đặt ra trong các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, định hướng kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và kế hoạch tài chính NSNN 3 năm 2021 - 2023 Chính phủ đã báo cáo Quốc hội. |
Đức Minh