【bong dá lu】Xây dựng chuỗi liên kết, nâng cao giá trị cây chuối

Báo Cà Mau(CMO) Cà Mau là tỉnh có diện tích trồng chuối lớn nhất trong khu vực ĐBSCL, với 5.500 ha, tập trung ở 3 huyện: U Minh, Trần Văn Thời và Thới Bình. Hằng năm, các hộ trồng chuối cung cấp cho thị trường trên 45.000 tấn, mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân.

Tuy nhiên, qua khảo sát cho thấy, việc trồng, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ chuối của người dân gặp khó do đầu ra thiếu ổn định, phải qua nhiều khâu trung gian làm giảm thu nhập.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, phần lớn nông dân vẫn còn tập quán trồng chuối theo cách truyền thống, chưa quan tâm đầu tư kỹ thuật như bón phân, chăm sóc, đốn tỉa. Hầu hết các vườn chuối lâu năm già cỗi, giống chuối bị thoái hoá do không thuần chủng, từ đó làm năng suất, chất lượng trái chuối chưa cao.

Chuối già Philippines cho năng suất gấp 2-3 lần so với giống chuối địa phương.

Trước thực trạng trên, Sở NN&PTNT đang thực hiện kế hoạch tái cơ cấu ngành hàng chuối theo chuỗi liên kết nông dân với doanh nghiệp từ khâu cung cấp giống, trồng, tiêu thụ và chế biến để nâng cao giá trị loại cây trồng này.

Theo quy hoạch này, đến năm 2020, diện tích trồng chuối của tỉnh Cà Mau đạt 5.400 ha. Trong đó, xây dựng vùng chuối thâm canh đạt chuẩn VietGAP quy mô 2.000 ha, năng suất 20 tấn/ha và sản lượng 108.000 tấn/năm. Đồng thời tiến đến phục tráng và xây dựng thương hiệu chuối xiêm đặc sản Cà Mau.

Thu hoạch đợt chuối trước Tết Đinh Dậu được gần 5 triệu đồng, đủ để xoay xở trong 3 ngày Tết, ông Lã Việt Bắc, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, phấn khởi cho biết, chuối là một trong những loại cây trồng ít bị sâu bệnh, dễ chăm sóc nhưng mang về nguồn thu khá lớn cho người dân. Tuy có thời điểm giá chuối xuống thấp nhưng nó vẫn duy trì được nguồn thu. Ngoài trái chuối, hiện nay thương lái còn đến tận nhà thu mua bắp chuối với giá 3.000-4.000 đồng/bắp, cá biệt có thời điểm lên đến 5.000-6.000 đồng/bắp. Thân cây chuối sau thu hoạch còn được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Trong lúc cây tràm chưa đến độ tuổi khai thác, nguồn lợi cá đồng đang dần cạn kiệt, trồng lúa bấp bênh thì giá trị kinh tế từ cây chuối được nâng lên. Đây thật sự là tín hiệu vui đối với nông dân sống trên lâm phần rừng tràm.

Ông Lê Thanh Yên, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, trồng gần 200 cây chuối già hương theo hình thức cấy mô. Sau thời gian thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật thâm canh, bón phân, tưới nước đủ ẩm, chuối già hương sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất cao.

Ông Yên cho biết thêm, trong quá trình trồng ông còn đào rãnh để đảm bảo quá trình tưới tiêu cũng như thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cây chuối sinh trưởng và phát triển. Ngoài ra, khi chuối cho trái, ông còn dùng bọc ni-lông để bao trái. Do đó, trái chuối có vỏ bóng láng, sạch đẹp, giữ được màu vàng tươi, thu hút sự chú ý của người tiêu dùng. Được biết, sản phẩm được bán với giá gần 4.000 đồng/kg, với mức giá này, người trồng chuối thu được khoản lợi nhuận khá cao.

Kỹ sư Nguyễn Văn Tranh thông tin thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt dự án “Chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và xây dựng mô hình trồng chuối già Philippines đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ở vùng U Minh Hạ”. Dự án này sẽ bắt đầu thực hiện từ năm 2017 với mục tiêu tiếp nhận và làm chủ được quy trình kỹ thuật để xây dựng mô hình nhân giống vô tính chuối già Philippines và giống chuối xiêm địa phương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân vùng U Minh Hạ.

Theo đó, sẽ chuyển giao và tiếp nhận quy trình công nghệ nuôi cấy mô cây chuối, quy trình trồng, quy trình phòng trừ sâu bệnh, đồng thời đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho người dân trong quá trình sản xuất.

Bài và ảnh: Trúc Ly