Mỗi năm có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh, sinh viên. Ảnh LV |
Giảm gánh nặng chi trả chi phí khám chữa bệnh
Trong lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, học sinh, sinh viên (HSSV) được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT. Thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho thấy, diện bao phủ BHYT HSSV qua các năm đều phát triển ổn định với xu hướng tăng dần. Hiện chính sách BHYT đã bao phủ gần 97% HSSV cả nước với khoảng 20 triệu em tham gia. Nhiều trường học, địa phương đã đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc thế hệ trẻ ngày càng được chăm sóc sức khoẻ đầy đủ và toàn diện hơn, trong đó nếu không may ốm đau, bệnh tật các em sẽ được Quỹ BHYT thanh toán số tiền khám chữa bệnh (KCB) không giới hạn theo phạm vi, mức hưởng, có thể lên tới hàng tỷ đồng/năm.
Khi tham gia BHYT, nếu HSSV đi KCB đúng tuyến sẽ được Quỹ BHYT chi trả 80% chi phí KCB trong phạm vi, quyền lợi được hưởng. Trường hợp KCB trái tuyến, các em sẽ được hưởng theo phạm vi, mức hưởng BHYT như sau: 40% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương; 100% chi phí điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; 100% chi phí tại bệnh viện tuyến huyện.
HSSV tham gia BHYT không chỉ được tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn khi không may ốm đau, bệnh tật, giúp gia đình các em giảm bớt gánh nặng về chi phí KCB, mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của các em và gia đình trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng. Theo thống kê, đến nay đã có hàng chục triệu lượt HSSV được Quỹ BHYT chi trả kinh phí KCB tại các cơ sở y tế. Trong đó có nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh nan y, bệnh mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch… với chi phí điều trị đã được thanh toán từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng.
Thống kê cũng cho thấy, qua việc tham gia BHYT, mỗi năm đã có gần 1.000 tỷ đồng được trích lại các cơ sở giáo dục để thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HSSV, kịp thời hỗ trợ cho các em khi xảy ra tai nạn hoặc ốm đau.
Quyền lợi ngày càng mở rộng
Thời gian qua, với trách nhiệm tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện tốt việc bảo đảm quyền lợi BHYT cho HSSV; tăng cường cải cách thủ tục tham gia BHYT, sử dụng thẻ BHYT khi đi KCB theo hướng đơn giản, thuận tiện cho HSSV. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, người tham gia BHYT trong đó có khoảng 20 triệu HSSV được thụ hưởng nhiều chính sách mới, theo đó quyền lợi KCB BHYT được đảm bảo ngày càng tốt hơn.
Giá trị thời hạn của thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được cấp mới hoặc gia hạn hàng năm cho học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông; học sinh, sinh viên cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục dạy nghề. Trong đó, đối với học sinh lớp 1, giá trị sử dụng thẻ BHYT bắt đầu từ ngày 1/10 năm đầu tiên của cấp tiểu học. Đối với học sinh lớp 12, thẻ có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/9 của năm học. |
Cùng với quyền lợi BHYT được mở rộng, thủ tục KCB BHYT cũng đã có sự cải tiến, mang lại lợi ích cho người tham gia BHYT nói chung, HSSV nói riêng khi có thể sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số”, thay cho thẻ BHYT bằng giấy khi đi thủ tục KCB, giúp người tham gia BHYT tiết kiệm thời gian khi đi KCB, đặc biệt không lo mất, hay hỏng thẻ BHYT giấy.
Đặc biệt, ngoài việc được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng BHYT HSSV, để đạt mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT trong năm học 2022-2023, một số tỉnh, thành phố tiếp tục hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho HSSV từ ngân sách địa phương, do đó số tiền thực đóng BHYT của mỗi HSSV tiếp tục được giảm.
Số HSSV tham gia BHYT không ngừng tăng qua các năm cho thấy, nhận thức của các bậc phụ huynh và HSSV về quyền lợi, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tham gia BHYT… đã được nâng cao. Đơn cử nếu như trước đây, một số phụ huynh có quan niệm chỉ khi con mắc bệnh nan y, mãn tính, cần điều trị với chi phí KCB lớn mới tham gia BHYT thì hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh.
Từ quan niệm bị động trong tham gia BHYT, phụ huynh HSSV đã chuyển sang tâm thế chủ động, tham gia BHYT để chăm sóc sức khỏe cho con em khi cần, hoặc xác định rõ trường hợp không cần dùng đến thẻ BHYT thì chi phí tham gia BHYT đóng góp vào Quỹ BHYT để cùng thực hiện nguyên tắc bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT.
Tuy vậy, hiện cả nước vẫn còn gần 4% HSSV chưa tham gia BHYT, tập trung ở nhóm sinh viên các trường đại học và học sinh các trường cao đẳng, trung cấp, đào tạo nghề. Vì vậy, để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, để mọi HSSV đều được chăm sóc sức khỏe ngay từ trường học, bên cạnh sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH Việt Nam và Bộ Giáo dục & Đào tạo, rất cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, mà quan trọng hơn cả chính là ý thức tự giác, chủ động tham gia BHYT của mỗi HSSV và phụ huynh./.