Theo kênh truyền hình RT, trong khi phần lớn các nghiên cứu chỉ đánh giá thiệt hại do virus SARS-CoV-2 gây ra đối với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ, một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ đầu tuần này đã giới thiệu một cách tiếp cận khác biệt.
Hai tác giả của nghiên cứu, bao gồm cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers và nhà kinh tế học thuộc trường Đại học Harvard ông David Cutler, đã tính đến thiệt hại liên quan đến những người mất mạng do COVID-19 bên cạnh các chi phí kinh tế thuần túy.
Với số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã đạt gần 8 triệu người và số ca tử vong vượt quá 215.000 trường hợp, các nhà nghiên cứu tin rằng cơn đại dịch có thể cướp đi sinh mạng của 625.000 người tính đến hết năm tới.
Theo tính toán của các chuyên gia, với lý thuyết “giá trị bảo tồn của mỗi người là 7 triệu USD trong một đời người”, những ca tử vong sớm liên quan đến COVID-19 có thể quét sạch gần 4.400 tỷ USD.
Virus SARS-CoV-2 được cho là có ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, đặc biệt là đối với những người sống sót sau giai đoạn nguy kịch hoặc lâm bệnh nặng. Các tác giả lưu ý những biến chứng sau đó dẫn đến gia tăng nguy cơ tử vong sớm và gây ra những hậu quả sâu rộng cho toàn bộ nền kinh tế, với thiệt hại lên tới 2.600 nghìn tỷ USD.
Nghiên cứu chỉ ra thêm ngay cả những người không tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 cũng có thể bị ảnh hưởng. Nỗi niềm đau đớn khi người thân, bạn bè mất vì COVID-19, cũng như tác động từ sự cô lập và cô đơn có thể dẫn đến tình trạng sức khỏe tâm thần xấu đi. Theo nghiên cứu, điều này cũng gây thiệt hại cho nền kinh tế, vốn có thể mất khoảng 1.600 tỷ USD do suy giảm sức khỏe tâm thần.
Gần một nửa số thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra có liên quan đến việc giảm thu nhập. Theo một thống kê ước tính từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội, sản lượng kinh tế tích lũy trong 10 năm tới của Mỹ sẽ giảm 7.600 nghìn tỷ USD.
"Thiệt hại kinh tế do COVID-19 gây ra lớn gấp đôi tổng chi phí tất cả các cuộc chiến mà Mỹ đã tham gia kể từ ngày 11/9/2001, bao gồm cả những cuộc chiến ở Afghanistan, Iraq và Syria. Con số ước tính lên tới hơn 16.000 tỷ USD, hay xấp xỉ 90% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm của Mỹ”, nghiên cứu kết luận. Thiệt hại ước tính cho một gia đình bốn người sẽ lên tới gần 200.000 USD.
Nghiên cứu được công bố trong bối cảnh các nhà lập pháp Mỹ đang tranh luận về một gói kích thích nhằm giảm thiểu thiệt hại do virus SARS-CoV-2 gây ra. Nghiên cứu nhấn mạnh bất kỳ khoản cứu trợ kinh tế nào cũng nên phân bổ ít nhất 5% để tăng cường xét nghiệm và truy dấu tiếp xúc.
Các chuyên gia giải thích: “Việc tăng cường đầu tư vào xét nghiệm và truy tìm dấu tiếp xúc có thể mang lại lợi ích kinh tế gấp ít nhất 30 lần so với chi phí đầu tư vào các phương pháp này. Các nhà kinh tế học nói thêm các khoản hỗ trợ tài chính cho y tế không nên bị cắt bỏ ngay cả khi đã giảm bớt những lo ngại về đại dịch.
Theo TTXVN