Đây là chia sẻ của ông Phạm Hồng Sơn,ănggiảiphápđểnângchấtcôngtychứngkhoákq cup c1 chau a Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khi đánh giá về công tác tái cấu trúc hệ thống các CTCK hiện nay.
* PV: Ông đánh giá thế nào tình hình hoạt động của các CTCK trong 9 tháng đầu năm 2016 vừa qua?
- Ông Phạm Hồng Sơn:Trong 9 tháng đầu năm 2016, các CTCK đã có rất nhiều nỗ lực trong việc phục vụ khách hàng và thực hiện các chỉ tiêu theo kế hoạch năm đặt ra. Qua báo cáo từ phía CTCK, về cơ bản các công ty vẫn hoạt động ổn định, bình thườn. Mặc dù so với năm ngoái, lợi nhuận các CTCK có sự sụt giảm nhẹ; tuy nhiên, tôi kỳ vọng, từ nay tới cuối năm nếu thanh khoản thị trường tốt lên, các CTCK sẽ hoàn thành được mục tiêu đã đề ra.
Giao dịch ký quỹ là một hoạt động tiềm ẩn rủi ro, do đó các CTCK cần phải hoạt động nghiêm minh, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Các CTCK hoạt động luôn có sự cạnh tranh, nhưng cạnh tranh dựa trên sự bình đẳng của pháp luật, nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình, cũng như tài sản của khách hàng. Ông Phạm Hồng Sơn |
Nhìn chung, tình hình hoạt động của các CTCK có nhiều tiến bộ, đặc biệt là về quản trị công ty và quản trị rủi ro, cũng như quản lý tài khoản khách hàng. Từ đầu năm tới nay, việc quản lý tài khoản khách hàng được các CTCK làm tốt, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Với vai trò đơn vị cung cấp dịch vụ, tạo cầu nối trung gian giữa khách hàng với thị trường, việc các CTCK quản lý, bảo đảm an toàn về tiền và tài sản cho khách hàng là điều rất đáng mừng.
Bên cạnh đó, nhận thức của các CTCK đối với việc cung cấp dịch vụ cho nhà đầu tư ngày càng tốt hơn; công tác quản trị rủi ro cũng vậy.
Những kết quả trên có được là nhờ chúng ta đã có nền tảng cơ sở pháp lý đầy đủ, rõ ràng; đồng thời, ý thức chủ động, tuân thủ pháp luật của các CTCK cũng đã tốt lên.
* PV: Thị trường chứng khoán phái sinh sắp được vận hành vào đầu năm 2017. Vậy đến thời điểm này sẽ có khoảng bao nhiêu CTCK có thể đáp ứng được tiêu chuẩn để tham gia vào thị trường hoàn toàn mới này, thưa ông?
- Ông Phạm Hồng Sơn:Hiện tại, khung pháp lý cho thị trường chứng khoán phái sinh đã tương đối đầy đủ, chi tiết và trong đó cũng đã quy định rõ các điều kiện đối với các CTCK có thể tham gia thị trường này.
Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh; Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 11/2016/TT-BTC hướng dẫn chi tiết Nghị định 42. Hiện Sở GDCK Hà Nội (HNX) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) cũng đang hoàn thiện các dự thảo về quy chế giao dịch, quy chế thanh toán bù trù cho chứng khoán phái sinh.
Theo thông tin mà chúng tôi nắm được, đến thời điểm này có thể có khoảng 15 CTCK có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn tham gia thị trường chứng khoán phái sinh trong giai đoạn này. Tôi cho rằng, đây là một tín hiệu tốt cho thị trường.
Theo tôi được biết, các CTCK, HNX, VSD đã và đang có sự hợp tác rất chặt chẽ để trao đổi, chạy thử hệ thống, phần mềm, .... đặc biệt là công tác đào tạo cho nhân lực của CTCK, tuyên truyền cho công chúng đầu tư. Đây là một thị trường rất mới tại Việt Nam, do vậy công tác đào tạo, tuyên truyền phải thực hiện một cách sâu rộng để đảm bảo khi vận hành thị trường được hoạt động một cách an toàn, suôn sẻ.
Nếu không tự nâng cấp, các CTCK không đạt chuẩn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Ảnh: DT |
* PV: Vậy ông có thể cho biết các giải pháp tiếp theo nhằm tiếp tục thực hiện công tác tái cấu trúc hệ thống CTCK trong thời gian tới?
- Ông Phạm Hồng Sơn:Đầu tiên phải khẳng định, công tác tái cấu trúc hệ thống CTCK đã, đang và sẽ được chúng tôi triển khai quyết liệt theo Đề án đã được áp dụng từ năm 2012. Đến nay, số lượng CTCK đã giảm được 30%. Đây là một con số rất tích cực mà ban đầu chúng tôi không nghĩ tới khi chỉ mới triển khai tái cấu trúc trong một thời gian chưa thực sự dài.
Tuy nhiên, một kết quả khác mà theo tôi quan trọng hơn là chính sự chuyển đổi của các CTCK. Quả thực đây là điều rất đáng mừng khi các CTCK đã chuyển đổi mạnh mẽ, tạo ra được bước tiến lớn về nhận thức, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, cũng như cả cách thức phục vụ khách hàng.
Trong thời gian tới, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBCKNN sẽ tiếp tục thực hiện Đề án Tái cấu trúc hệ thống CTCK, trong đó chúng tôi sẽ tập trung nhiều vào các giải pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro của CTCK.
Hiện nay, trên thị trường đang có khoảng 76 CTCK hoạt động, tuy nhiên số lượng công ty yếu kém cũng còn trên dưới 20 công ty; do đó, trong thời gian tới tiếp tục rà soát và có thể số lượng các CTCK sẽ còn giảm tiếp. Khung pháp lý đã thể hiện rất rõ là những CTCK nào không đủ điều kiện sẽ bị loại ra khỏi sân chơi này.
Đơn cử như thị trường chứng khoán phái sinh, CTCK muốn tham gia phải đảm bảo được một lượng vốn tương đối lớn, bên cạnh đó là các yêu cầu về công nghệ, quản trị rủi ro,.... Tất cả những điều này cho thấy rằng, nếu các CTCK không tự mình nâng cấp lên thì rất khó để cung cấp được dịch vụ cho khách hàng trong thời gian tới.
* PV: Được biết, UBCKNN đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 226/2010/TT-BTC và Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán sửa đổi. Ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới trong hai văn bản này?
- Ông Phạm Hồng Sơn:Đúng vậy! Hiện nay, chúng tôi đang lấy ý kiến thành viên thị trường về 2 văn bản là: Dự thảo Thông tư 226/2010/TT-BTC quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính; Dự thảo sửa đổi, bổ sung Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ chứng khoán ban hành kèm theo Quyết định 637/QĐ-UBCK.
Theo đó, Thông tư mới vẫn dựa trên nền tảng của Thông tư 226 hiện hành, nhưng chúng tôi có bổ sung một số vấn đề liên quan tới cách tính tỷ lệ rủi ro đối với một số sản phẩm mới chẳng hạn như một số sản phẩm trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Thông tư mới vẫn giữ tinh thần chung là siết chặt hoạt động của CTCK, để đảm bảo an toàn hệ thống. Những CTCK nào không đáp ứng được chắc chắn sẽ buộc phải tự rời việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Thậm chí trong dự thảo lần này, CTCK nào nếu đưa vào diện kiểm soát hoặc kiểm soát đặc biệt sẽ bị đình chỉ ngay một số nghiệp vụ nhất là nghiệp vụ môi giới, để đảm bảo an toàn tiền và tài sản cho khách hàng.
Còn về Dự thảo Quy chế giao dịch ký quỹ, chúng tôi xây dựng trên tinh thần có “nới” hơn về điều kiện cổ phiếu được cấp giao dịch ký quỹ. Điển hình là theo Dự thảo mới, thời gian được cấp phép giao dịch ký quỹ đối với cổ phiếu được rút ngắn từ 6 tháng xuống còn 3 tháng tính từ ngày đầu tiên giao dịch. Dự thảo mới cũng đã đưa ra một số định nghĩa, quy định, điều kiện cung cấp dịch vụ,... rõ ràng hơn để các CTCK dễ dàng áp dụng hơn.
* PV: Xin cảm ơn ông!
Duy Thái