【tỷ lê】Nhiều chuyển biến tích cực trong xử lý, sắp xếp lại nhà đất
Đã huy động được nguồn lực từ quỹ đất dôi dư
Việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đang được thực hiện theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ (QĐ09).
Qua báo cáo kê khai của các đơn vị, báo cáo tổng hợp của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã tổng hợp được số lượng, diện tích, cơ cấu quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (đây là điều trước khi có QĐ09 chưa làm được).
Triển khai QĐ09 cũng giúp việc bố trí lại và sử dung nhà, đất một cách hợp lý, đúng tiêu chuẩn, định mức, chế độ hơn. Bên cạnh đó còn dành một phần quỹ đất để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng, an sinh xã hội.
Đặc biệt, sau khi sắp xếp lại đã huy động được nguồn lực từ chính quỹ đất dôi dư, cũng như nguồn lực của xã hội cùng đầu tư để xây dựng, nâng cấp trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà ở, văn phòng cho thuê, trung tâm thương mại, dịch vụ…
Tuy nhiên, ông Thịnh cho biết, qua đợt tổng kết, đánh giá (vào cuối năm 2013), Bộ Tài chính cũng nhận thấy nhiều hạn chế của công tác này. Cụ thể, tiến độ tổng thể về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chậm so với yêu cầu của Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Một số bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác sắp xếp lại, xử lý nhà, đất. Nhiều cơ sở nhà, đất đã phê duyệt phương án được 2- 3 năm nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch đô thị còn chậm. Hầu hết các địa phương chưa ban hành được danh mục các cơ sở phải di dời, quy hoạch chi tiết để làm căn cứ xử lý quỹ đất sau khi di dời.
Đặc biệt, còn tồn tại tình trạng một số cơ quan, đơn vị sau khi được phê duyệt phương án xử lý đã tiếp tục cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định, không chấp hành thời hạn thực hiện phương án xử lý... Một số đơn vị được nhà nước cho phép đầu tư xây dựng trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ, trong khi các cơ quan, đơn vị khác phải đi thuê trụ sở làm việc với kinh phí lớn.
Kiên quyết thu hồi các phần đất không sử dụng
Để trả lời câu hỏi vì sao công tác này vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra, ông Thịnh cho biết, có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan.
Nguyên nhân khách quan là quỹ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước được hình thành và được bố trí sử dụng qua nhiều thời kỳ trong điều kiện chế độ quản lý, sử dụng trước đây chưa đầy đủ, chặt chẽ dẫn tới nhiều trường hợp rất khó xử lý như: bố trí nhà ở trong khuôn viên cơ quan, doanh nghiệp ở trong cơ sở hoạt động sự nghiệp; ranh giới phân chia giữa các cơ quan, đơn vị khi có sự tách, nhập không rõ ràng; hồ sơ nhà, đất lưu trữ không đầy đủ, bị thất lạc,...
Nguyên nhân chủ quan là do nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là người đứng đầu chưa nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của nhà, đất đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị mình nên chưa thực sự quan tâm tới công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện; sự phối hợp triển khai kiểm tra nhà, đất, thực hiện phương án xử lý (xác định quy hoạch, định giá) ở một số nơi chưa tốt, còn kéo dài.
Ông Thịnh cũng chỉ ra kinh nghiệm được rút ra qua lần tổng kết đánh giá về tình hình sắp xếp lại nhà, đất đó là, những bộ, ngành, địa phương nào lãnh đạo quan tâm, có phương pháp tổ chức khoa học, quyết liệt, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành thì tiến độ xử lý rất tốt như: Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, tỉnh Bến Tre, tỉnh Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh mặc dù số lượng nhà, đất lớn, trải rộng nhưng đã sớm hoàn thành công tác sắp xếp lại.
Vì thế, theo ông Thịnh, trong thời gian tới đây, Bộ Tài chính sẽ tập trung vào việc hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện việc kê khai, lập và phê duyệt phương án xử lý nhà, đất để cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, xử lý kịp thời trụ sở cũ của các cơ quan, đơn vị khi di dời sang địa điểm mới. Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương ban hành danh mục các cơ sở phải di dời do ô nhiễm môi trường hoặc phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị làm căn cứ xử lý các cơ sở này. Bộ Tài chính cũng sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về việc tăng cường quản lý trụ sở, công sở của các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Đặc biệt, tại thành phố Hà Nội, mới đây Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, UBND thành phố Hà Nội làm việc với các đơn vị để rà soát toàn bộ các cơ sở nhà, đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, thống nhất phương án xử lý. Tới đây, các cơ quan chức năng sẽ kiên quyết thu hồi theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng các phần diện tích đất chưa sử dụng, cho thuê trái pháp luật.
Vân Hà