Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 28-5, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,8%. Cùng thời gian này năm ngoái, tỷ lệ tương ứng mới đạt 1,31% và phải đến hết tháng 7-2014, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng mới đạt 3,6%. Điều này được thể hiện ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, dòng tín dụng đã chảy đều hơn và tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, mới đây, các ngân hàng cũng bắt đầu tăng lãi suất huy động ở một số kì hạn dài, một số DN lo lắng, lãi suất cho vay sẽ tăng theo, tuy nhiên, các ngân hàng cho biết, sẽ không thực hiện tăng lãi suất cho vay.
Ngân hàng HDBank từ ngày 1-6-2015 cũng tăng lãi suất ở một số kỳ hạn dài và đang trở thành ngân hàng có mức lãi suất cao nhất ở kì hạn 12 và 13 tháng.
Theo đó, từ ngày 1-6-2015, HDBank áp dụng mức lãi suất huy động kì hạn 11 tháng là 5,7%; nhưng sang kì hạn 12 tháng mức lãi suất tăng vọt lên 7% và 13 tháng là 7,2%. Tuy nhiên, các kì hạn cao hơn, HDBank lại giảm mức lãi suất xuống, chẳng hạn ở kì hạn 15 tháng lãi suất 6,7%; kì hạn 36 tháng lãi suất 6,9%.
Từ 3-6, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn (Agribank) công bố tăng lãi suất tiền gửi bằng VND tiết kiệm cá nhân bằng VND kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/ năm, thay cho 6,2%/ năm trước đó, kỳ hạn 24 tháng tăng từ 6,3% lên 6,8%/năm.
Lãi suất tiết kiệm linh hoạt áp dụng đối với khách hàng cá nhân gửi VND kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/ năm thay cho 6,2%/ năm; 24 tháng là 6,8%/ năm thay cho 6,30%/ năm.
Đối với khách hàng là tổ chức, lãi suất tiền gửi VND kỳ hạn 24 tháng cũng tăng lên 0,5% là 6,8%/năm. Lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn khác tại Agribank không thay đổi.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển (BIDV) niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức cao nhất so với các ngân hàng thương mại của nhà nước là 6,5%/ năm. Tuy nhiên, lãi suất huy động của các kỳ hạn dài hơn 12 tháng lại bị kéo xuống với kỳ hạn 24 và 36 tháng áp mức lãi suất huy động là 6,3%/ năm.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) tăng lãi suất kỳ hạn ngắn từ 0,4-0,5%. Theo đó, lãi suất huy động VND kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4% lên 4,5%/năm, 3 tháng tăng từ 4,6% lên 5%/năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) mới công bố lãi suất niêm yết cao nhất của ngân hàng này là 6,9% với kỳ hạn 36 tháng. Các mốc thấp hơn là kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng tương ứng 6,7% và 6,6%.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, trong các kỳ hạn mà ngân hàng đã huy động, thì kỳ hạn ngắn lại chiếm gần 70% tổng số vốn huy động. Trong khi đó, dư nợ trung dài hạn chiếm 53-55% tổng dư nợ. Chính vì vậy, việc tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhằm khắc phục tình trạng mất cân đối về kỳ hạn giữa huy động vốn và cho vay.
Chính vì vậy, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài cũng là điều chỉnh thích hợp.