Nuôi tôm dưới tán rừng
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi về xã Tam Giang Tây, huyện Ngọc Hiển là màu xanh mướt của rừng đước. Trên vùng đất ngập mặn, người dân khoanh trồng đước thành luống dài thẳng tắp. Tam Giang Tây có diện tích rừng ngập mặn khá lớn. Người dân ở đây trồng đước kết hợp nuôi tôm, cua trên cùng diện tích đất mà mỗi gia đình được giao khoán. Sinh kế bền vững từ rừng ngập mặn đã giúp cho hàng nghìn hộ dân có cuộc sống no đủ, giàu có.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Ðặng Khánh Lâm, Bí thư chi bộ ấp Bảo Vỹ, xã Tam Giang Tây, cho biết, toàn ấp có 137 hộ, thì có tới 80% hộ làm nghề nuôi trồng thuỷ sản, chủ yếu là nuôi tôm, cua quảng canh. “Chúng tôi thả tôm xuống vùng khoanh nuôi trong rừng ngập mặn, tôm tự tìm kiếm thức ăn từ tự nhiên. Sau khoảng 4 tháng thả con giống, chúng tôi sẽ tiến hành thu hoạch. Nhờ rừng ngập mặn, tôm sinh trưởng rất tốt, loại to chỉ khoảng 18 con là được 1 kg”, anh Lâm nói.
Hiện tại, gia đình anh Lâm có 15 ha nuôi tôm, cua và cá theo hình thức gối vụ. Mỗi tháng anh thu hoạch 2 lần. Anh ước chừng, nếu con nước thuận lợi, mỗi năm, gia đình anh thu được khoảng 500-600 triệu đồng từ nuôi trồng thuỷ sản.
Cùng trò chuyện với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Ghép rất hào hứng với mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn. Dẫn chúng tôi tham quan mô hình thả tôm trong ao bạt nổi lớn ở một góc vườn, ông giới thiệu: "Từ tháng 7/2020, gia đình bắt đầu thực hiện thí điểm mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn do tổ chức Hợp tác phát triển Ðức tài trợ. Trước đây, chúng tôi thả tôm giống xuống thẳng dưới vuông, để chúng sống tự nhiên khoảng 3-4 tháng thì thu hoạch. Bây giờ, tôm giống được ươm trong ao bạt khoảng 20 ngày cho cứng cáp rồi mới thả xuống vuông. Phương pháp nuôi này, tỷ lệ tôm sống lên tới 80%. Trong khi đó, đầu tư 1 ao bạt ươm tôm chỉ khoảng 40 triệu đồng”.
Gia đình ông Ghép có gần 7 ha nuôi tôm. Trừ năm 2018, làm ăn không thuận do tôm chết nhiều, những năm còn lại, ông Ghép đều bỏ túi hàng trăm triệu đồng. Ông đang đặt nhiều hy vọng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn sẽ đạt được năng suất và hiệu quả như mong muốn.
Với ông Ghép, anh Lâm và những người dân ấp Bảo Vỹ, rừng ngập mặn có giá trị đặc biệt quan trọng, không chỉ vai trò giữ đất, phòng chống xói lở mà còn tạo môi trường sinh thái thuận lợi cho việc nuôi thuỷ sản. Còn rừng ngập mặn nghĩa là người dân vẫn có thể duy trì sinh kế bền vững, nuôi sống gia đình. Ðó là điều mà bất cứ người dân nào ở Bảo Vỹ cũng hiểu.
Khai thác du lịch rừng ngập mặn
Xu thế sống xanh, tìm về với thiên nhiên đang tạo ra nhiều dư địa để các địa phương có rừng ngập mặn ở Cà Mau có cơ hội phát triển du lịch sinh thái dựa vào loại tài nguyên đặc biệt này. Xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển, điểm đến đặc biệt về địa lý, văn hoá là một ví dụ.
Ðất Mũi có lợi thế là nằm trong Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau - khu rừng ngập mặn nguyên sinh lớn nhất nước ta, nơi tiếp giáp với biển Ðông và biển Tây. Ðịa phương này sở hữu vị trí địa lý đặc biệt là điểm cuối của đường Hồ Chí Minh, với những di tích lịch sử mang tính biểu tượng: Mốc toạ độ quốc gia, Cột cờ Hà Nội, Ðền thờ Lạc Long Quân. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc biệt là những điều kiện thuận lợi để Ðất Mũi phát triển du lịch.
Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi để Ðất Mũi phát triển du lịch. Ảnh: MỸ LINH |
Ông Bùi Thanh Thương, Phó chủ tịch UBND xã Ðất Mũi, cho biết: “Tận dụng tiềm năng sẵn có, chúng tôi đang tập trung vào phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái. Từ khi Nhà nước mở tuyến đường bộ Hồ Chí Minh xuống Ðất Mũi, khách du lịch tới đây rất nhiều. Người dân Ðất Mũi đã ý thức hơn tới việc giữ gìn và khai thác rừng ngập mặn một cách hiệu quả nhất. Hiện, địa phương đang mở các tuyến tham quan xuyên rừng để du khách có cơ hội trải nghiệm, khám phá hệ sinh thái rừng ngập mặn”.
Không chỉ đơn thuần trồng rừng đước để khai thác gỗ, người dân ở Ðất Mũi đã xây dựng các điểm du lịch cộng đồng gắn với phát triển nuôi trồng thuỷ sản, giữ gìn rừng ngập mặn. Du khách có thể ở lại qua đêm trong những homestay ven rừng ngập mặn, trải nghiệm cuộc sống bình dị của người dân vùng sông nước. Không chỉ được tham quan rừng đước, hít thở không khí trong lành, du khách còn có thể trải nghiệm bắt tôm, cua, câu cá, ba khía, ốc len, sò huyết, mò vọp trong rừng đước. Chắc chắn không có gì thú vị hơn là thưởng thức những sản vật địa phương do chính tay mình bắt được.
Chính quyền xã Ðất Mũi cũng đã quy hoạch khu vực làng nghề ngay ở Mũi Cà Mau, ven rừng ngập mặn. Các nhà hàng ở khu này được xây dựng theo một mẫu, phục vụ các sản phẩm đặc sản từ biển và rừng ngập mặn. Theo ông Thương, phát triển du lịch mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho người dân xã Ðất Mũi trong tương lai.
Rõ ràng, rừng ngập mặn đã khẳng định được giá trị vốn có của mình, giúp hàng ngàn người dân ở Cà Mau ổn định cuộc sống./.
Anh Vy - Bích Nguyên