Bên cạnh đó, có 259 dự án đầu tư trong nước (DDI) đăng ký mới và điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm khoảng 46.000 tỷ đồng.
Như vậy, tính chung cả dự án FDI và DDI, từ đầu năm đến nay có khoảng gần 9 tỷ USD đã được đầu tư vào các KCN, KKT.
Theo Vụ Quản lý khu kinh tế, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng vốn đầu tư các dự án FDI và DDI vào các KCN, KKT giảm so với cùng kỳ năm 2017. Nguyên nhân là do số dự án lớn được cấp mới và điều chỉnh vốn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Đơn cử, trong 6 tháng đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương một số dự án có tổng vốn đầu tư lớn như dự án Nhà máy sản xuất thép của Tập đoàn Hòa Phát với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng tại KKT Dung Quất, Quảng Ngãi; Dự án mở rộng nhà máy của Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam, với tổng mức đầu tư 2,5 tỷ USD tại KCN Yên Phong, Bắc Ninh.
Về một số dự án có số vốn đầu tư lớn vào KCN, KKT 6 tháng đầu năm 2018, Vụ Quản lý khu kinh tế cho biết có một số dự án như Dự án Nhà máy sản xuất polypropylene (PP) và kho ngầm chứa khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) tại Việt Nam với tổng mức đầu tư 1,201 tỷ USD tại KCN Cái Mép; Dự án Công ty TNHH Laguna (Việt Nam) điều chỉnh tăng vốn thêm 1,12 tỷ USD tại KKT Chân Mây - Lăng Cô; Nhà máy dệt và may trang phục Ramatex Nam Định tại KCN Bảo Minh với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD; Dự án Nhà máy YKK Hà Nam tại KCN Đồng Văn III với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD;...
Cũng trong 6 tháng đầu năm, đã có 1 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của KCN Thủ Thừa, tỉnh Long An bị thu hồi; đồng thời có 3 KCN gồm KCN Sông Khoai, tỉnh Quảng Ninh, KCN Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên và KCN Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương có quyết định chủ trương đầu tư.