【đội hình getafe gặp rayo vallecano】Giỗ Tổ ở Cà Mau
(CMO)Tín ngưỡng thờ vua Hùng Vương tại Cà Mau đã trở thành một nét đẹp văn hoá đặc sắc. Nếu chỉ tính ở 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL là tỉnh duy nhất có đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Di tích Đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình cũng đã được công nhận là di tích văn hoá - lịch sử cấp tỉnh ngày 5/4/2011.
Theo lệ hằng năm, ngày mùng 9 và 10/3 âm lịch sẽ diễn ra các hoạt động lễ, hội, người dân khắp nơi tề tựu về đền thờ để cầu quốc thái dân an, tỏ lòng thành kính với những bậc tiền nhân có công lao mở cõi.
Cùng với thời gian, tín ngưỡng thờ Vua Hùng tại Cà Mau đã có sức lan toả rộng lớn, quy mô ngày giỗ Tổ hằng năm vì thế cũng được mở rộng và lượng khách khắp nơi về ngày càng đông đúc. Theo các vị cao niên trong Ban Quản lý di tích Đền thờ Vua Hùng tại ấp Giao Khẩu, những năm gần đây, lượng khách về lên đến hàng ngàn người, cả trong và ngoài tỉnh, có cả những khách hành hương là Việt kiều về cúng bái. Mặc dù đã rất cố gắng, song công tác tổ chức tại đền vẫn chưa được chu đáo vì cơ sở vật chất chưa đảm bảo.
Người dân khắp nơi tề tựu, thành kính dâng hương Quốc Tổ. Ảnh: Phùng Ngọc Trầm |
Thêm vào đó, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao ở phần hội do UBND huyện Thới Bình chủ trì, tuỳ theo điều kiện, kinh phí thực tế hằng năm cho nên chỉ có tính chất “nội bộ”, chưa tạo được sự cộng hưởng, khuyến khích sự tham gia của khách hành hương. Các thông tin, tư liệu về quá trình hình thành của Đền thờ Vua Hùng được “cất giữ khá cẩn thận” bởi các thành viên của Ban Quản lý di tích mà chưa có cách thức tuyên truyền, phổ biến hiệu quả. Kinh phí và các hoạt động liên quan đến lễ hội giỗ Tổ phần lớn vẫn phụ thuộc vào công tác xã hội hoá (đóng góp theo kiểu “cây nhà lá vườn”), chưa có được sự chủ động cần thiết.
Đối với du khách thập phương về dự lễ hội, nhiều ý kiến cho rằng lễ hội giỗ Tổ cần kết hợp với nhiều loại hình sinh hoạt, giải trí văn hoá có tính chất kết nối, đặc trưng, điển hình với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của cả nước, nhất là ở Phú Thọ. Điều này rất cần sự quan tâm của ngành chủ quản, nhất là những cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn về lĩnh vực này. Mong muốn của người Cà Mau, của khách hành hương là có được một ngày giỗ Tổ vừa đặc sắc, mang đậm dấu ấn của phương Nam, song cũng có những “hằng số văn hoá” mang tính đại diện của cả một dân tộc, đất nước.
Ở một khía cạnh nào đó, lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương tại Cà Mau cần mạnh dạn kêu gọi xã hội hoá. Xã hội hoá không chỉ để tổ chức một vài ngày lễ hội, vui chơi. Xã hội hoá phải gắn với quá trình xây dựng, hoàn thiện không gian cơ sở vật chất và tâm linh của đền Hùng. Kết nối di tích đền Hùng với việc phát triển văn hoá - du lịch - kinh tế của địa phương. Tạo dựng được một dấu ấn sâu đậm, một địa chỉ có sức hút thực sự để du khách khi về Cà Mau có thể tìm đến.
Quốc Rin