(CMO) Năm 1979, huyện Trần Văn Thời được chia tách thành 3 huyện gồm: Trần Văn Thời, Cái Nước và Phú Tân. Qua 40 năm xây dựng và phát triển (12/5/1979-12/5/2019), Đảng bộ và Nhân dân huyện Trần Văn Thời không ngừng phấn đấu, đoàn kết một lòng, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, từng bước xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, quốc phòng - an ninh được giữ vững; Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày một nâng cao.
Lúc mới chia tách, huyện Trần Văn Thời có diện tích tự nhiên khoảng 70 ngàn héc-ta; Đông giáp TP. Cà Mau và huyện Cái Nước; Tây giáp vịnh Thái Lan; Nam giáp huyện Phú Tân; Bắc giáp huyện U Minh. Trung tâm huyện đóng tại thị trấn Rạch Ráng (nay là thị trấn Trần Văn Thời).
Nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ, chính quyền huyện lúc bấy giờ là ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước xây dựng cuộc sống cho Nhân dân.
Mặc dù điều kiện kinh tế những năm đầu mới chia tách hết sức khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện; Kết cấu hạ tầng nông thôn chưa được đầu tư xây dựng, giao thông đi lại chủ yếu bằng đường thuỷ; Đời sống Nhân dân còn thiếu thốn niều mặt nhưng với sự nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà, đến năm 1999 (sau 20 năm chia tách), tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển vượt bậc so với những năm đầu mới giải phóng.
Để đảm bảo cho kinh tế phát triển ổn định, bền vững, huyện quy hoạch thành 3 vùng sản xuất: Vùng Bắc Cà Mau sản xuất theo hệ sinh thái ngọt, có tổng diện tích khoảng 50 ngàn héc-ta; Vùng Nam Cà Mau chuyển dịch theo hướng trồng 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm và chuyên nuôi tôm, khoảng 17 ngàn héc-ta và vùng kinh tế biển.
Đến nay, huyện có hơn 28.900 ha sản xuất lúa 2 vụ (có khoảng 9.900 ha sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn), hơn 2 ngàn héc-ta đất sản xuất 1 vụ lúa trên đất nuôi tôm, tổng sản lượng lúa hàng năm khoảng 300 ngàn tấn.
Về khai thác thuỷ sản, toàn huyện có 2.613 phương tiện, tăng hơn 1.800 phương tiện so với năm 1999 (trong đó, tàu có công suất trên 90 CV là 1.393 chiếc, tàu có công suất từ 20 CV đến dưới 90 CV là 454 chiếc, còn lại dưới 20 CV).
Thị trấn Trần Văn Thời đang trên đà phát triển. Ảnh: Tấn Đạt |
Các phương tiện công suất lớn đáp ứng yêu cầu khai thác xa bờ và dài ngày trên biển, gắn với bảo vệ ngư trường và chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Tổng sản lượng thuỷ sản những năm gần đây khoảng 135 ngàn tấn/năm (tăng 38 ngàn tấn so với năm 1999). Ngoài khai thác, huyện Trần Văn Thời còn có khoảng 14 ngàn héc-ta nuôi cá đồng, khoảng 17 ngàn héc-ta nuôi các loài thuỷ sản nước mặn, lợ.
Ông Lê Văn Thiệt, ở Khóm 7, thị trấn Sông Đốc, cho biết, nhờ có dịch vụ hậu cần nghề cá mà bà con ngư dân làm ăn thuận lợi. Lúc trước, chưa có dịch vụ này bà con phải chở sản phẩm vào bờ để bán, vừa mất thời gian, vừa tốn kém chi phí. Bây giờ khai thác được bao nhiêu bán trên biển hết, giá cả được thương lái thu mua cao hơn trong đất liền.
Thời gian qua, huyện huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội mỗi năm trên 1 ngàn tỷ đồng. Đến nay, các xã, thị trấn đã có đường ô tô về tới trung tâm, với tổng chiều dài 56,5 km; Lộ bê tông nối liền tất cả các ấp, khóm trên địa bàn huyện; Xây dựng hơn 380 cây cầu phục vụ đi lại của Nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Mẩm, ở ấp Chống Mỹ, xã Khánh Bình, nhận xét: "Những năm gần đây tôi thấy đời sống người dân vùng nông thôn thay đổi vượt bậc. Trước đây bà con ở vùng sâu, vùng xa chủ yếu đi lại bằng xuồng hoặc lội bộ, bây giờ nhà nào cũng có xe máy, các em học sinh đi học bằng xe đạp cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều".
Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 41,5 triệu đồng; Tỷ lệ hộ nghèo còn 5,26%, hộ cận nghèo còn 2,8%; Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện hơn 99,9%; Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 91%; Có 6,3 bác sĩ/vạn dân; Tỷ lệ dân số tham gia BHYT hơn 87%.
Thời gian tới, huyện tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hợp lý, tạo bước đột phá phát triển nhanh và bền vững về kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển những ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, giải quyết tốt các vấn đề kinh tế, văn hoá - xã hội, y tế, giáo dục. Ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở. Tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Những kết quả đạt được 40 năm qua là động lực, tiền đề vững chắc để Đảng bộ, Nhân dân huyện Trần Văn Thời vững tin bước tiếp trên con đường xây dựng. Cùng với cả nước hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, huyện Trần Văn Thời anh hùng ngày thêm đổi mới, giàu đẹp./.
Anh Quốc