Chi thường xuyên đã giảm mạnh thời gian qua, từ đó có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian tới việc sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm biên chế cần đi vào thực chất hơn để tiếp tục giảm chi ngân sách.
Tiết kiệm dành nguồn cho an sinh xã hội
Tại dự thảo thông tư quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2020, Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, giao dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải đảm bảo khớp đúng dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính hướng dẫn, HĐND quyết định, UBND giao cả về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi. Đồng thời, việc phân bổ và giao dự toán chi thường xuyên phù hợp với tiến độ và lộ trình thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nâng cao mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập, điều chỉnh giá phí... theo các quy định của Đảng và Nhà nước.
Việc giao dự toán chi thường xuyên bám sát chỉ tiêu biên chế góp phần thúc đẩy giảm biên chế, thực hiện theo các Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương. Trên thực tế, từ nhiều năm nay, Bộ Tài chính chủ trương thực hiện chi tiết kiệm, hiệu quả, trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm tiết kiệm chi thường xuyên. Yêu cầu thực hiện dự toán chi hoạt động của cơ quan, đơn vị, địa phương phải gắn với mục tiêu, nhiệm vụ tinh giản biên chế ngày càng trở nên quyết liệt hơn.
Một trong những giải pháp cơ bản nhất để cơ cấu lại NSNN, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, đó chính là tinh giản biên chế, sắp xếp, cắt giảm bộ máy. Tại nhiều địa phương, trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở trường học, các bệnh viện thực hiện tự chủ tài chính đã góp phần giảm chi ngân sách từ nguồn chi thường xuyên. Số ngân sách tiết kiệm từ nguồn này được dành cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển và một phần để cho nguồn cải cách tiền lương.
Thực hiện cơ cấu lại ngân sách, chúng ta đã đạt được thành công khi tỷ trọng dự toán chi thường xuyên giảm dần (đã giảm từ mức 64,4% năm 2017 xuống còn dự kiến là 60,5% vào năm 2020), nhưng vẫn bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 7%/năm theo nghị quyết của Quốc hội và các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, chính sách an sinh xã hội cấp thiết khác...
Dự toán chi thường xuyên giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã được xây dựng trên cơ sở yêu cầu sắp xếp lại tổ chức bộ máy, giảm biên chế, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp. Ước tính trong 5 năm (2016 - 2020) dự kiến giảm chi thường xuyên do thực hiện các nhiệm vụ này của NSNN khoảng 27 - 28 nghìn tỷ đồng.
Cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết
Hiện nay, bộ máy hành chính còn cồng kềnh khiến nguồn ngân sách chi cho bộ máy, con người rất lớn. Trước thực tế đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh tinh giản biên chế, nhằm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương hiện đang quyết liệt thực hiện tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nếu kiểm soát tốt việc giao dự toán chi thường xuyên của các đơn vị gắn với tinh giản biên chế sẽ là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm chi thường xuyên.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cho rằng, chi thường xuyên cần phải tiếp tục tiết giảm, bởi chiếm phần lớn trong tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, hầu hết chi thường xuyên là chi cho con người nên việc giảm phải có lộ trình và không thể thực hiện nóng vội. Đúng như nhận định của Bộ Tài chính, việc rà soát chính sách chi thường xuyên còn chưa hiệu quả, nhiều chế độ, chính sách còn trùng lặp; chi tiêu ở nhiều cơ quan, đơn vị còn lãng phí, thất thoát. Bên cạnh đó, cơ cấu lại chi thường xuyên hạn chế do chậm đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, tinh giản biên chế chưa đạt mục tiêu kế hoạch.
Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên không cần thiết, cùng với tinh giản biên chế, để có nguồn thực hiện các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo mức sống tối thiểu cho đội ngũ cán bộ, công chức. Để việc cắt giảm chi thường xuyên đi vào thực chất, hiệu quả, rất cần sự vào cuộc thật sự của các cấp, các ngành và địa phương. Các đơn vị cần đẩy mạnh sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy nhanh việc sắp xếp, đổi mới và thực hiện tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết, thực hiện tiết kiệm chống lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng NSNN.
Minh Anh