Chi tiêu hộ gia đình của Nhật Bản đã tăng ở mức hai con số trong tháng 5/2021, khi người tiêu dùng đẩy mạnh mua ôtô và điện thoại di động, mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại so với tháng trước đó do làn sóng nhiễm COVID-19 mới ảnh hưởng tới niềm tin của người tiêu dùng.
Nền kinh tế Nhật Bản đang phải vật lộn để thoát khỏi tác động của đại dịch COVID-19 sau khi Chính phủ áp dụng các biện pháp "bán khẩn cấp" ở Tokyo và các khu vực lớn khác để hạn chế sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.
Chi tiêu của các hộ gia đình tại Nhật Bản trong tháng Năm vừa qua đã tăng 11,6% so với cùng kỳ năm ngoái, ghi dấu tháng tăng thứ ba liên tiếp, sau khi tăng 13% vào tháng 4/2021. Con số này cao hơn dự báo trung bình của thị trường là tăng 10,9% trong cuộc thăm dò của Reuters.
Mức tăng trưởng chi tiêu trong tháng 5/2021 khó có thể “xua tan” lo ngại rằng đà phục hồi của kinh tế Nhật Bản đang “tụt hậu” so với sự phục hồi ở các nền kinh tế lớn khác như Mỹ, vốn được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo sẽ tăng trưởng 7% trong năm nay, tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong một thế hệ.
Sự kết hợp giữa nguy cơ gia tăng các ca lây nhiễm COVID-19 và việc triển khai tiêm chủng muộn trên toàn quốc đã làm giảm sút niềm tin của cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Dữ liệu riêng được công bố ngày 6/7 cho thấy, tiền lương thực tế được điều chỉnh theo lạm phát trong tháng 5/2021 của lao động Nhật Bản đạt mức tăng lớn nhất trong năm kể từ tháng 6/2018, một phần do mức lương làm thêm giờ tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nhà phân tích lo ngại rằng, nền kinh tế Nhật Bản có thể rơi trở lại suy thoái trong quý II/2021, đánh dấu hai quý suy giảm liên tiếp, do niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế của Chính phủ.
Ngày 5/7, một cuộc khảo sát doanh nghiệp tư nhân cho thấy hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đã giảm tháng thứ 17 liên tiếp trong tháng 6/2021./.
Theo Vietnam+