Cụ thể, theo số liệu của Bộ Thống kê Ấn Độ được công bố ngày 28/2, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á đã tăng trưởng 7,2% trong giai đoạn từ tháng 10-12/2017, vượt qua mức tăng 6,8% của Trung Quốc và cao hơn cả dự đoán 6,9% do giới phân tích đưa ra trước đó trong cuộc thăm dò của hãng tin Reuters.
Ấn Độ cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP trong tài khóa 2017/18 (từ 1/4/2017-31/3/2018) từ 6,5% lên 6,6%. Ngành dịch vụ và các nhà sản xuất của Ấn Độ đã và đang phải “vật lộn” để vượt qua tình trạng gián đoạn hoạt động do việc ban hành thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) hồi tháng Bảy năm ngoái. Tuy vậy, trong quý IV/2017, trong lĩnh vực sản xuất tăng trưởng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước đó, cao hơn hẳn mức 6,9% trong quý trước đó; tốc độ tăng trưởng của dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác tăng từ 5,6% quý III/2017 lên 7,2%.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự đoán rằng Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI), tức ngân hàng trung ương, vốn đang nỗ lực cân bằng những lo ngại về lạm phát với việc hỗ trợ cho tăng trưởng, có thể tăng lãi suất sau cuộc họp chính sách tiếp đến sẽ diễn ra vào ngày 5/4 tới. RBI đã giữ nguyên lãi suất chủ chốt kể từ sau khi cắt giảm 25 điểm cơ bản hồi tháng 8/2017. Lạm phát bán lẻ của Ấn Độ đã giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 17 tháng qua là 5,2% ghi nhận hồi tháng 12 năm ngoái xuống còn 5,1% trong tháng Một.
Chính phủ Ấn Độ đã từng cam kết sẽ chi hàng tỷ USD trong ngân sách cả năm của mình để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và việc làm ở các vùng sâu vùng xa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lệnh cấm tiền mặt. Chính phủ Ấn Độ dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng trưởng từ 7,2-7,5% trong nửa cuối tài khóa 2017 - 2018 và cho biết nền kinh tế lớn thứ ba châu Á sẽ sớm đạt được tốc độ tăng trưởng 8%./.
Theo Vietnamplus