Để thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (Chương trình KHCN). Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua hai giai đoạn: Giai đoạn I (2011-2015, kéo dài đến 2017); giai đoạn II (2016-2020, kéo dài đến 6/2022).
Tại Hội nghị tổng kết Chương trình KHCN giai đoạn 2016 - 2021 và nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021 – 2025 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức mới đây, đánh giá đóng góp và tác động của chương trình, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KHCN giai đoạn 2016 – 2020 cho biết, Chương trình KHCN đã đề xuất được các giải pháp KHCN tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Trong đó đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp kết nối và hiện đại, nông nghiệp sinh thái và bền vững; phát triển công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn…
Áp dụng khoa học công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng. |
Thông qua việc hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ, cung cấp trang thiết bị trong các mô hình có hiệu quả cao, Chương trình KHCN cũng đã tác động trực tiếp đến các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngành và tăng trưởng nông nghiệp, tiêu biểu là: cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi: chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân; thay đổi sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm…
Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao.
Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung… Điển hình là trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất. Nhiều mô hình điển hình về tăng năng suất, chất lượng như mô hình sản xuất khoai tây giống tại Bắc Giang đã cho thu nhập 190 - 220 triệu đồng/ha…
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình giai đoạn II còn có những hạn chế về lượng và chất của các đề tài, dự án, cơ chế hoạt động. Đó là, còn ít mô hình mang tính tổng hợp, liên ngành, liên vùng, tạo hiệu quả đồng bộ trong phát triển nông thôn. Còn ít đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở các vùng nông thôn mới...
Theo Bộ NN&PTNT, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, chương trình tập trung bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Với định hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hiện đại, nông dân văn minh", các đề tài thuộc Chương trình KHCN được yêu cầu phải xuất phát từ thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, điều kiện địa phương.
Kinh phí đối ứng ngoài Nhà nước chiếm 40,4% Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã tích cực huy động sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cùng với vốn đầu tư vào triển khai các đề tài, dự án. Trong tổng số kinh phí thực hiện chương trình giai đoạn 2016-2020 là 585,76 tỷ đồng, thì kinh phí đối ứng ngoài nhà nước là 236,54 tỷ đồng, chiếm 40,4%. Phần ngân sách Nhà nước cấp là 379 tỷ đồng, trong đó để thực hiện các đề tài, dự án là trên 324,3 tỷ đồng, cắt giảm theo quy định là 29,8 tỷ đồng. |
Đặc biệt, các đề tài khoa học công nghệ cần chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và lan tỏa cao trong thực tiễn; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án ở địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo... Chương trình tiếp tục tập trung nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến trong phát triển kinh tế và quản trị xã hội ở vùng nông thôn...
Cùng với đó, huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để thực hiện các đề tài, dự án thuộc Chương trình KHCN theo hướng vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa…
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, KHCN đóng vai trò đặc biệt trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và từ nhu cầu thực tế, KHCN có rất nhiều dư địa để phát triển. Về việc thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021-2025, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong xây dựng nông thôn mới phải song hành để chuyển hoá được tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Vì vậy, ông Lê Minh Hoan yêu cầu Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương cần nhanh chóng xây dựng đề tài, triển khai kế hoạch tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá. Các đề tài triển khai phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết các vấn đề cấp thiết gắn với đặc thù, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
“Các đề tài khoa học cần có tính thực tế, khả thi và được quảng bá tạo hiệu ứng lan tỏa khi chuyển giao đến người dân. Không chỉ chuyển giao khoa học công nghệ thông qua đề tài mà còn là chuyển giao tính chuyên nghiệp, sự hiểu biết, kỹ năng, chuẩn hóa cho nông dân, hợp tác xã” - vị "tư lệnh" ngành Nông nghiệp nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đặt vấn đề, hiện nay, các bước xây dựng, xét duyệt đề tài đang mất rất nhiều thời gian. Do đó, Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương cần tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng danh sách đề tài trước, sau đó trao đổi, bàn bạc, rút gọn và thực hiện các bước tiếp theo để rút ngắn thời gian thực hiện đề tài.