Để hiểu thêm về Di chúc và việc thực hiện những lời căn dặn của Người tại tỉnh Bình Phước,c Bgiao hữu châu âu phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước (BPTV) đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Đình Huấn, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Phước.
Di chúc là văn kiện lịch sử vô giá
Về giá trị bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Mạc Đình Huấn cho biết: Bác Hồ bắt đầu viết Di chúc từ năm 1965 và sửa lần cuối vào đúng ngày sinh nhật Bác, ngày 19-5-1969. Bản Di chúc của Người chỉ hơn 1.000 từ nhưng chứa đựng nội dung của một bản đại tổng kết về lý luận và thực tiễn con đường cách mạng của Việt Nam, về Đảng, về dân, về quốc tế và định hướng tương lai. Bác đã căn dặn rất nhiều về Đảng, về chăm lo hạnh phúc, chăm lo đời sống nhân dân, về tinh thần quốc tế trong sáng. Tư tưởng bao trùm trong văn kiện lịch sử đặc biệt là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Trước khi mất, Bác Hồ luôn dành tình yêu thương cho tất cả tầng lớp nhân dân, cho cụ già, trẻ em, phụ nữ, nông dân, công nhân, đội ngũ trí thức và đặc biệt là bộ đội đang trực tiếp chiến đấu bảo vệ đất nước.
Bác Hồ viết di chúc tại vườn hoa Phủ Chủ tịch - Ảnh tư liệu
Chúng ta có thể khẳng định, Di chúc của Người là một văn kiện lịch sử có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đây là bản tổng kết mà đến nay những lời căn dặn, định hướng của Người đã và đang tiếp tục là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.
Đoàn kết trong Đảng là bài học sống còn
Xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nền tảng cho mọi thành công. Đoàn kết, thống nhất không chỉ là vấn đề sinh tử của tổ chức Đảng các cấp mà còn là sinh mệnh của toàn Đảng, là vấn đề sống còn của cách mạng.
Bác Hồ với các anh hùng, chiến sĩ thi đua ngành nông nghiệp năm 1957 - Ảnh: TTXVN
Nói về vai trò của đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”, và trong Di chúc, Người nhiều lần nhắc đến từ đoàn kết: “Trước hết nói về Đảng - Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Trong bản Di chúc của Người cũng đã khẳng định, nhờ có sự đoàn kết mà Đảng ta và nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình” - Di chúc khẳng định.
Thực tế, nhờ sức mạnh đoàn kết mà chúng ta đã đánh thắng tất cả kẻ thù xâm lược, vượt qua tất cả khó khăn, thử thách trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước hôm nay. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng là một trong những truyền thống quý báu của Đảng và nhân dân ta. Chúng ta phải tiếp tục làm tốt và có sự đồng thuận, đoàn kết trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay cũng như mai sau.
Người Bình Phước lĩnh hội và thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong Di chúc, Bác viết: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh... Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Mạc Đình Huấn trao đổi với phóng viên về giá trị bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và việc thực hiện Di chúc tại Bình Phước
Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng bộ tỉnh Bình Phước đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện công tác phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh; hoàn thành thắng lợi nhiều chỉ tiêu, đạt những kết quả tích cực, đời sống các tầng lớp nhân dân không ngừng nâng cao. Đơn cử, năm 2022, Bình Phước có mức tăng trưởng kinh tế 8,42%; năm 2023, tăng trưởng kinh tế 8,34%, vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch đề ra là 8%), đứng đầu vùng Đông Nam Bộ, đứng thứ 11 so với cả nước và gấp khoảng 1,5 lần so với mức trung bình chung của cả nước; GRDP bình quân đầu người đạt 94 triệu đồng; thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đứng thứ 14 so với cả nước. Mục tiêu năm 2024, thu hút vốn FDI 400 triệu USD; thu nhập bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm.
Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước đã đoàn kết thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân. Trong ảnh: Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú (huyện Đồng Phú) là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế
Từ những điều kiện về kinh tế, Đảng bộ tỉnh luôn lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành chăm lo đời sống nhân dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm 2019, Bình Phước triển khai thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2019-2023. Với cách làm đổi mới, sáng tạo, mang tính đặc thù riêng, Bình Phước đã vượt lên những khó khăn, thách thức, tạo nên kỳ tích khi chỉ trong 5 năm đã giảm hơn 6.500 hộ nghèo dân tộc thiểu số. Đây là cơ sở, tiền đề để tỉnh phấn đấu đến năm 2025 không còn hộ nghèo theo tinh thần Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18-10-2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Trong cách làm đổi mới của Bình Phước luôn có sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân. Bình Phước phát huy rất tốt tinh thần như căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thời tạo sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân đối với các chính sách nói chung, trong đó có chính sách giảm nghèo bền vững.
Tỉnh ủy đã ban hành nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước, trong đó chú trọng phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc
Cùng với đó, Tỉnh ủy Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 14-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Phước đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 là hòa hợp, nghĩa tình, tự cường, kỷ cương, sáng tạo. Tỉnh ủy Bình Phước xác định phát triển văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị và xã hội. Qua đó, Bình Phước đã và đang chăm lo một cách thiết thực, hiệu quả để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân và phát huy được bản sắc văn hóa, con người Bình Phước. Đó chính là thực hiện Di chúc, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.