Công chức hải quan xử lý các thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Ảnh: Hồng Vân. |
Nhiều cải cách đột phá
Thời gian qua, ngành Hải quan đã tập trung nguồn lực, quyết liệt triển khai công tác cải cách hiện đại hóa và đạt được những thành tựu mang tính đột phá, quan trọng.
Về phương thức quản lý, cơ quan hải quan đã chuyển đổi một cách toàn diện phương thức quản lý từ thủ công sang hình thức sử dụng hệ thống thủ tục hải quan điện tử. Cụ thể là khai báo thông tin trước đối với hàng hóa; khai báo về dữ liệu thông tin để phục vụ thông quan hoàn toàn trên tờ khai điện tử; áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN; thanh toán tất cả các khoản phí và lệ phí, thuế trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan thông qua hình thức điện tử.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan ứng dụng một cách toàn diện và rộng rãi phương thức đánh giá mức độ tuân thủ của doanh nghiệp dựa trên các kỹ thuật quản lý rủi ro và hệ thống phân tích thông tin. Qua đó, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong hoạt động thông quan hàng hóa và vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Các hệ thống công nghệ thông tin của cơ quan hải quan hiện tại đáp ứng việc tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, nhưng mặt khác lại tăng cường kiểm soát cho cơ quan hải quan. Dựa trên tính kịp thời, chính xác của thông tin, công cụ phân tích thông tin và đánh giá rủi ro sẽ nâng cao chất lượng quản lý, hiệu quả quản lý của cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực
Để vận hành được công nghệ 4.0, đầu tiên pháp luật phải là 4.0, được vận hành bởi những con người 4.0 và dữ liệu phải dựa trên nền nền tảng thông tin về dữ liệu. Ông Phạm Duyên Phương - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan. |
Chiến lược Phát triển hải quan giai đoạn 2021 - 2030 đã được phê duyệt hướng đến mục tiêu xây dựng Hải quan Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong quản lý nhà nước về hải quan.
Bình luận về các giải pháp cải cách, hiện đại hóa toàn ngành để đạt được mục tiêu trên, ông Phạm Duyên Phương - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan) cho rằng, cho dù có một nền tảng chính sách tốt, một pháp luật tốt, quy trình tốt, một công cụ tốt, nhưng người thực hiện không đủ năng lực thì cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề.
Theo ông Phương, khi đưa vào áp dụng các thiết bị, máy móc, công cụ để hỗ trợ cho con người, thì những con người đó phải được đào tạo lại để có thể xây dựng và triển khai được những việc khác. Ví dụ, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, hay việc tiếp nhận tờ khai hải quan thay vì con người phải “nhìn bằng mắt, phải dùng bằng tay”, thì bây giờ hệ thống công nghệ thông tin đã làm được việc đó. Vậy, con người lúc này sẽ phải chuyển sang phân tích dữ liệu.
Về nền tảng pháp luật, hiện nay các chính sách quản lý vẫn đang còn tư duy về thủ công và giấy tờ. Đâu đó ở mức độ là điện tử hóa và tin học hóa chứ không phải tự động hóa. Trong quá trình đóng góp xây dựng các văn bản mới, ngành Hải quan đã cố gắng đóng góp những suy nghĩ, những góc nhìn thực tiễn để có được một nền tảng pháp luật 4.0.
Vấn đề thứ ba, phải số hóa dữ liệu. Tổng cục Hải quan hiện đã báo cáo Bộ Tài chính trình Chính phủ đề xuất xây dựng nghị định, trong đó cụ thể hóa các phương thức, chế tài liên quan đến kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước phục vụ cho công tác quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, người có phương tiện xuất cảnh và nhập cảnh, quá cảnh ở trên nền công cụ và cơ chế một cửa quốc gia.
Một vấn đề nữa được đại diện Tổng cục Hải quan nêu ra là yêu cầu phải có hệ thống công nghệ thông tin để liên kết các yếu tố nói trên với nhau. Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang trình Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt dự án để tái thiết kế lại hệ thống tự động thông quan của cơ quan hải quan, hướng tới mô hình hải quan số, quản lý biên giới thông minh.
Bên cạnh đó, với vai trò là Cơ quan thường trực của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại, Tổng cục Hải quan cũng đã, đang xây dựng một đề án tái thiết kế lại hệ thống thông tin một cửa quốc gia để đáp ứng các yêu cầu mới, tình hình mới.
Hướng tới các chuẩn mực quốc tế mới Thực hiện Chiến lược Phát triển hải quan đến năm 2030, ngành Hải quan đã đặt ra những mục tiêu mới là tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, sâu rộng trong ngành gắn liền với chủ trương chuyển đổi số hướng tới hải quan số, hải quan phi giấy tờ, biên giới thông minh và các chuẩn mực quốc tế mới. |