Quảng cáo bảo hiểm giá siêu rẻ trên tuyến đường Phạm Văn Đồng,Rốikq seri a quận Thủ Đức, TPHCM. Ảnh T.D |
Bảo hiểm siêu giá rẻ... chiêu trò quảng cáo
Trước nhu cầu mua bảo hiểm xe máy của người dân tăng cao đột biến trong những ngày thực hiện tổng kiểm tra phương tiện, thời gian gần đây, nhiều điểm bán bảo hiểm tự phát xuất hiện trên nhiều tuyến đường tại TPHCM.
Ghi nhận, dọc theo tuyến xa lộ Hà Nội đoạn vừa đổ dốc cầu Sài Gòn theo hướng về quận Thủ Đức (phường An Phú, quận 2), đoạn đường chưa đầy 300m nhưng dày đặc điểm bán bảo hiểm xe máy bên lề đường. Tương tự, dọc tuyến đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Gò Vấp và Thủ Đức, rất nhiều điểm bán bảo hiểm xe máy với những lời quảng cáo có cánh: "Bán bảo hiểm xe máy, bảo hiểm 2 người ngồi trên xe, giá 10.000 đồng/năm, giảm giá 20%..."
Theo chị Nguyễn Hồng Khuyên, nhân viên bán bảo hiểm tại quận Bình Thạnh cho biết, hiện chị đang bán 2 loại bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe mô tô, xe máy của Tổng công ty Bảo hiểm BIDV với mệnh giá 66.000 đồng hoặc loại bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc kết hợp tai nạn con người mức cao 86.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Chỉnh, Trưởng ban phát triển kinh doanh Tổng công ty bảo hiểm PVI cho biết, người mua cần phân biệt rõ hai loại hình bảo hiểm cho xe cơ giới, gồm bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện. Bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, một trong những giấy tờ phải có của người đi đường. Đây là loại bảo hiểm mà công ty bảo hiểm sẽ chi trả, bồi thường cho quyền lợi của nạn nhân (bên thứ ba) khi chủ xe gây tai nạn - chứ không phải chi trả cho chủ lái xe, người ngồi trên xe mua bảo hiểm này. Còn bảo hiểm tự nguyện, chi trả cho người ngồi trên xe không phải giấy tờ bắt buộc khi đi đường.
Đây cũng chính là loại được lấy để chào mời trên các biển quảng cáo ở nhiều tuyến phố với giá rẻ 10.000 đồng, 20.000 đồng và phải mua chung với bảo hiểm tai nạn dân sự bắt buộc giá 66.000 đồng thì khi xảy ra tai nạn mới được bồi thường. Nhưng trên thực tế có một số điểm bán bảo hiểm, người bán muốn chạy theo số lượng, đánh vào tâm lý của một bộ phận người dân không mấy quan tâm đến giá trị của tờ bảo hiểm, mua không phải để phòng rủi ro mà chỉ mang tính đối phó trường hợp bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, xuất trình giấy tờ nên không giải thích rõ loại nào có giá trị pháp lý. Vì vậy, với loại bảo hiểm giá siêu rẻ trên, khi lưu thông người dân vẫn sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt, "tiền mất tật mang".
Lập biên bản 96 trường hợp vi phạm về bảo hiểm xe
Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC08), Công an TPHCM cho biết, trong 5 ngày tổng kiểm soát giao thông trên địa bàn (từ 15/5-19/5), lực lượng chức năng đã phát hiện 5.223 phương tiện vi phạm Luật giao thông đường bộ. Phạt tiền gần 1,5 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 519 trường hợp, tạm giữ 863 phương tiện.
Trong đó, lỗi không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (thường gọi bảo hiểm xe) còn hiệu lực có 96 trường hợp vi phạm. Cụ thể, 1 trường hợp là người điều khiển xe khách, 4 trường hợp lái xe tải, 87 trường hợp là người đi xe máy, còn lại là các phương tiện khác...
Tuy nhiên, theo lực lượng chức năng kiểm tra giấy tờ xe của tài xế là công việc hàng ngày của cảnh sát chứ không phải đến khi có tổng kiểm soát mới làm. Hơn nữa, trong đợt này, việc kiểm tra giấy tờ xe không phải mục đích chính.
Trong 5 ngày tổng kiểm tra, các lỗi vi phạm được PC08 Công an TPHCM thống kê nhiều nhất là đi sai phần đường, làn đường; dừng, đỗ không đúng quy định; vi phạm nồng độ cồn và chạy quá tốc độ. Cụ thể, vi phạm quy định về nồng độ cồn là 517 trường hợp; vi phạm về tốc độ 363 trường hợp; đi vào đường cấm, đi ngược chiều của đường một chiều 309 trường hợp; vi phạm đi sai phần đường, làn đường là 703 trường hợp; vi phạm về dừng, đỗ là 631 trường hợp; vi phạm các quy định về mũ bảo hiểm 459 trường hợp...