Kiến nghị tại Diễn đàn về thúc đẩy hình thức đối tác công tư (PPP) trong lĩnh vực hạ tầng, ông Ryu Hang Ha, Chủ tịch Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM) cho biết, lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, công nghệ thông tin và cơ sở hạ tầng công cộng là lợi thế của Hàn Quốc, cũng sẽ là những lĩnh vực hợp tác nhiều tiềm năng.
Hình thức đối tác công tư PPP là phương thức thực hiện dự án trong đó các DN tư nhân có lợi nhuận từ việc đầu tư, xây dựng, bảo trì và vận hành cơ sở hạ tầng công cộng, trong khi Chính phủ giảm thuế và hỗ trợ một phần về tài chính.
Để thúc đẩy đầu tư vào hình thức PPP, theo đại diện KOCHAM, các nhà đầu tư cần được cho phép có nhiều lựa chọn khác nhau để huy động vốn đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, các quy định nghiêm ngặt, ví dụ quy định hiện hành là tổ chức phát hành trái phiếu phải có lợi nhuận trong năm trước thì mới được phát hành trái phiếu, và phải có tài sản an toàn (tiền mặt), quy định này đã trở thành trở ngại cho việc đầu tư.
Ông Ryu Hang Ha cho biết, trong Nghị định 63/2018/NĐ-CP sửa đổi quy định về PPP cũng có những khía cạnh tích cực như tinh giản các thủ tục hành chính cho các dự án PPP.
“Tuy nhiên điểm quan trọng nhất là 'sự đảm bảo của Chính phủ' đối với việc chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư vẫn chưa được sửa đổi”, đại diện KOCHAM đánh giá.
Do đó, đại diện KOCHAM cho rằng, việc hoàn thiện các cơ sở pháp lý để công nhận các phương thức huy động vốn khác nhau của DN tư nhân và "sự bảo đảm của Chính phủ" để có thể giảm thiểu rủi ro của các nhà đầu tư có khả năng giúp các dự án PPP trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng sẽ được thực hiện tích cực hơn nữa.
Các dự án PPP cũng là nội dung trọng tâm đầu tiên mà ông Koji Ito, Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Việt Nam đề cập tới trong các kiến nghị gửi tới VBF 2018.
Ông Koji Ito cho rằng, trong mấy năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có một số biện pháp tăng cường thắt chặt vay vốn vì tỉ lệ nợ công trên GDP hiện đã gần chạm mức trần 65% mà Chính phủ đề ra.
“Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng phát triển cơ sở hạ tầng là một yêu cầu quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế về dài hạn của Việt Nam, trong đó áp dụng linh hoạt các cơ chế PPP chắc chắn là một trong những cách hiệu quả nhất để thực hiện mục tiêu này”, ông Koji Ito nói.
Để đảm bảo, Chính phủ đã có một số biện pháp khuyến khích PPP mà chúng tôi rất hoan nghênh. Chẳng hạn, việc ban hành Nghị định 63 vào tháng 5/2018 đã giúp đơn giản hóa thủ tục đầu tư PPP, như việc bỏ quy định phải xin Chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả của công tác khuyến khích đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam, đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản đề xuất 4 nội dung liên quan đến Nghị định này để Chính phủ xem xét. Cụ thể là:
Thứ nhất,cần quy định rõ “luật nước ngoài” được cho phép sử dụng làm luật áp dụng;
Thứ hai,cho phép giải quyết tranh chấp bởi trọng tài nước ngoài đối với toàn bộ các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, trong đó có các dự án liên quan đến bất động sản.
Thứ ba,cho phép nhà đầu tư và các đơn vị triển khai dự án được thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản trên đất và quyền khai thác các công trình dự án.
Thứ tư,Chính phủ Việt Nam cần san sẻ một phần rủi ro liên quan đến việc ngừng thanh toán và chứng nhận ngoại hối.