VHO - Dân tộc Hrê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chiếm trên 84% dân số toàn huyện,ườitrẻđồngbàoHrêgìngiữlànđiệutalêtile macao đời sống văn hóa cổ truyền của họ rất đa dạng, phong phú, như cồng chiêng, nhà sàn, làn điệu ta lêu, ca choi, trong đó ta lêu, ca choi, một thể loại dân ca của người Hrê, được các thế hệ cha ông sáng tác, truyền miệng cho con cháu đời sau.
Cũng như các dân tộc anh em, đời sống văn hoá tinh thần của người Hrê vô cùng phong phú và độc đáo. Ngoài cồng chiêng, nhạc cụ đàn vinh vút, đàn brooc, đàn ra ngói, sáo tà lía..., người Hrê còn có làn điệu ca choi, ta lêu và hát ru. Đó là những giai điệu quả thật có sức quyến rũ lạ kỳ. Có dịp đến vùng sơn cước xa xôi, chắc hẳn người nghe sẽ bị mê hoặc bởi những âm thanh như tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió rì rào xuyên qua kẻ lá có lúc lảnh lót, thanh cao.
Được hát múa những làn điệu dân ca ta lêu, ca choi của đồng bào Hrê phục vụ khách du lịch là niềm vui và hạnh phúc đối với cô gái trẻ Phạm Thị Thanh Nga (15 tuổi) ở huyện Ba Tơ. Nga chia sẻ, may mắn em được sinh ra ở thôn Làng Teng, xã Ba Thành cái nôi văn hóa của đồng bào Hrê. Chính vì vậy, em luôn mang trong mình khát khao cháy bỏng về quảng bá hình ảnh văn hóa của quê hương đến với du khách.
“Từ những kiến thức được học ở nhà trường và các nghệ nhân trong làng, em tham gia đội văn nghệ với các bạn có cùng đam mê hát múa những làn điệu dân ca của đồng bào Hrê. Chúng em thường đi biểu diễn ở các hội thi, liên hoan và phục vụ du khách. Qua đó chúng em thể hiện sự trân trọng di sản văn hóa mà cha ông để lại cho thế hệ hôm nay”, Nga bộc bạch.
Nặng lòng với những làn điệu ta lêu, ca choi và yêu thích những nhạc cụ của đồng bào mình, nhiều năm nay nghệ nhân Đinh Văn Sây, xã Ba Thành xuất hiện trong hầu hết phong trào văn nghệ của xã, huyện. Nhiều người bảo Đinh Văn Sây là một trong những “cây văn nghệ” đang gieo tình yêu âm nhạc dân tộc cho lớp trẻ.
Từ lúc 15 tuổi, Đinh Văn Sây đã thuộc lòng nhiều làn điệu ta lêu, ca choi của người Hrê. Anh cũng là một trong những người trẻ, rất giỏi trong nghệ thuật biểu diễn những loại nhạc cụ như cồng chiêng. “Ba mẹ mình và những người lớn tuổi trong làng rất say mê ta lêu, ca choi. Chính vì thế ngay từ nhỏ, những giai điệu quyến rũ và cũng là tiếng lòng của người Hrê như đã ngấm vào trong máu mình. Dù biểu diễn ở trong hay ngoài tỉnh, mình cũng nỗ lực truyền tải những thông điệp của người Hrê gửi gắm vào trong mỗi tác phẩm về tình yêu quê hương, đất nước đến với bạn bè phương xa...”, Đinh Văn Sây thổ lộ.
Theo nhạc sĩ Phạm Minh Đát, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi, ta lêu là điệu hát kể, có tính chất tự sự, có hai dòng ta lêu là ta lêu cổ và ta lêu mới. Người Hrê thường dùng ta lêu để hát kể cho con cháu nghe bên bếp lửa nhà sàn, kể về các anh hùng huyền thoại của cộng đồng tộc người, về các vị thần linh, về những con người tài trí, dũng cảm, kể về mối quan hệ giữa người và trời, phê phán điều ác độc và giáo dục cái thiện. Ta lêu cổ phần nhiều là phản ảnh mối quan hệ con người, giữa người và loài vật, cây cối hoặc giữa loài vật với cây cối cũng biết nói, múa hát, suy nghĩ và tình cảm như con người.
Ta lêu mới là loại ta lêu được sáng tác trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ và cả sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước. Đó là những bài dân ca, ca ngợi quê hương, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, bộ đội; tình đoàn kết các dân tộc anh em, mối tình gắn bó giữa quân và dân; ca ngợi cuộc sống mới, ca ngợi tinh thần lao động sản xuất... và đặc biệt là về tình yêu đôi lứa.
Ca choi là một làn điệu hát đối đáp. Giai điệu của ca choi trong sáng, đơn giản, nhưng rất mượt mà, tình cảm. Nội dung của ca choi thể hiện nhiều đề tài khác nhau như chuyện yêu đương, chuyện gia đình, chuyện xã hội, mừng quê hương, đất nước... Người Hrê còn dùng ca choi để hát đối đáp lẫn nhau, người Hrê có thể hát ca choi đối đáp với nhau suốt đêm mà không có hồi kết; người thể hiện phải biết cách rung giọng, kéo dài hơi một cách khéo léo, hợp lý thì mới có thể tạo ấn tượng cho người nghe.
Ngoài ra, người Hrê còn dùng chính giai điệu trong sáng, tình cảm của làn điệu ca choi để giãi bày những nỗi niềm riêng tư, như nói về nỗi khổ nhọc, nghèo túng, mồ côi. Trong các dịp Tết, cúng, đám cưới, hay trong các dịp sinh hoạt vui chơi, ngồi bên ché rượu cần, khi có chút men rượu người Hrê thường rủ nhau hát ca choi, ta lêu để giao lưu, tâm tình, chia sẻ tâm tư tình cảm của mình, hoặc để thể hiện khả năng tài nghệ hát ca choi, ta lêu với mọi người.
“Dẫu trải qua biết bao thăng trầm của thời gian, song những nét văn hoá ấy luôn gắn liền với cuộc sống của người Hrê. Vài năm trở lại đây nhiều người con “ưu tú” của đồng bào Hrê ở huyện miền núi Ba Tơ vẫn ngày đêm miệt mài thực hiện khát vọng gìn giữ, thắp sáng ngọn lửa văn hóa dân tộc mình”, nhạc sĩ Phạm Minh Đát bày tỏ.