VHO - Nếu như hành trình của Bà già đi bụi từ đầu đến cuối chỉ là một giấc mơ của nhân vật chính - người phụ nữ lớn tuổi sau gần trọn cuộc đời chăm sóc gia đình nhưng khát khao được sống như mong ước không thành hiện thực,àgiàđibụivàgiấcmơrarạchung ket cup c2 thì hành trình đến với khán giả của bộ phim cũng đang là giấc mơ chưa thấy hồi kết…
Mơ được ra rạp để đến với người xem, mơ có cái kết đẹp như Đào, Phở và Piano với sự bùng nổ khi được thử nghiệm bán vé đầu năm nay, liệu Bà già đi bụi có làm nên chuyện?
Gian nan đấu thầu phim Nhà nước
Sau Đào, Phở và Piano, đến lượt Bà già đi bụi được giới nghề và công chúng đặt kỳ vọng, với mong muốn xóa đi định kiến lâu nay đối với dòng phim đặt hàng. Thực tế, sau buổi công chiếu ra mắt vào cuối tháng 9 vừa qua, Bà già đi bụi đã để lại nhiều dư âm đẹp bởi những thông điệp, giá trị nhân văn mà bộ phim chuyển tải.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành thông tin, Bà già đi bụi là tác phẩm đầu tiên sử dụng ngân sách Nhà nước thông qua hình thức đấu thầu. Sau ra mắt, bộ phim nhận được hiệu ứng tích cực từ báo chí và giới nghề, đó là động lực quan trọng đối với ê kíp sáng tạo, Công ty CP Phim truyện I cũng như đội ngũ điện ảnh phía Bắc. Thành công ban đầu này cũng được xem là một sự “an ủi” sau hàng loạt gian nan khi phải trải qua quy trình đấu thầu rất nhọc nhằn.
“Điện ảnh là lĩnh vực đặc thù, đấu thầu đương nhiên sẽ rất bất cập, nhất là khi các yếu tố về kịch bản và đơn vị sản xuất bao giờ cũng đi liền với nhau. Không thể đưa kịch bản của một đơn vị đi đấu thầu, sau đó lại giao cho một đơn vị khác sản xuất. Chỉ có thể làm được điều này khi Nhà nước sở hữu một ngân hàng kịch bản điện ảnh…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Những phim như Đào, Phở và Piano hay Bà già đi bụi dù sản xuất với kinh phí thấp nhưng vẫn được công chúng đón nhận nếu đó là tác phẩm chất lượng. Đoàn phim cũng như đông đảo người xem đều mong chờ sẽ có một “phép màu” đến với Bà già đi bụi, nhưng e rằng rất khó. Hiện Cục Điện ảnh đã đề xuất xây dựng quy định phát hành phim sử dụng ngân sách Nhà nước…
Một năm trước, Công ty CP Phim truyện I ra mắt Đào, Phở và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn và sau đó là hành trình “kỳ diệu” của một tác phẩm điện ảnh sử dụng ngân sách Nhà nước. Giành Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 23, Cánh diều Bạc tại Giải thưởng Cánh diều năm 2024 và đặc biệt là hiệu ứng phòng vé khi ra rạp hồi đầu năm đã khiến các nhà làm phim phía Bắc có được động lực lớn lao. “Năm nay, đơn vị tiếp tục giới thiệu Bà già đi bụi và hy vọng lịch sử sẽ lặp lại”, đạo diễn, NSƯT Phi Tiến Sơn bộc bạch.
Đạo diễn Trần Chí Thành cho biết, ê kíp sáng tạo kỳ vọng nhân duyên tốt lành sẽ đến với bộ phim, bởi đó là tâm huyết và công sức của cả một tập thể. Hơn thế, đây là một tác phẩm chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, bất kỳ ai khi xem đều có thể tìm thấy những câu chuyện gia đình mình trong đó.
Muốn… nhưng không thể, vì chưa có quy định!
Bà già đi bụi được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư do Trần Chí Thành đạo diễn; NSƯT Phi Tiến Sơn chấp bút kịch bản. Đảm nhận vai bà Năm “đi bụi” là NSƯT Minh Trang. Phim có sự tham gia của nhiều gương mặt nổi tiếng như Tiết Cương (vai Hai Thật), Thúy Diễm (vai Út Thà), Phạm Hy (vai Tài)… Phim đã được nhận Bằng khen tại hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc nhất tại Giải thưởng Cánh diều 2024; nữ diễn viên Thúy Diễm nhận được đề cử về diễn xuất…
Lấy bối cảnh miền Tây Nam Bộ, trong cuộc sống ngày càng hiện đại, vòng quay mưu sinh khiến khoảng cách giữa các thế hệ trong gia đình ngày càng lớn, Bà già đi bụi cũng chính là hành trình ước mơ của bà Năm, muốn được yêu và được sống cho chính mình. Bối cảnh nổi bật trong phim là cảnh sắc sông nước ở Bến Tre, Cần Thơ… Bộ phim cũng lần theo những nơi bà Năm muốn đến như Vũng Tàu, Tây Nguyên, Đà Lạt... “Với nguồn ngân sách có hạn, chúng tôi cũng phải cân nhắc về cảnh quay, chỉ tập trung làm nổi bật vẻ đẹp miền sông nước”, đạo diễn Trần Chí Thành chia sẻ.
Mong muốn lớn nhất của những người làm phim sử dụng ngân sách Nhà nước là tác phẩm sẽ được công chiếu rộng rãi tại hệ thống rạp chiếu trên toàn quốc. Có được như Đào, Phở và Piano hay không, đó còn là cái duyên mà cả ê kíp đang trông đợi.
Nói về kế hoạch phát hành Bà già đi bụi, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho biết, dù rất muốn nhưng phim sẽ không nằm ngoài số phận như các phim sử dụng ngân sách Nhà nước trước đó, tức là chỉ được đưa vào các tuần phim, LHP phục vụ nhiệm vụ chính trị và gửi các địa phương để chiếu miễn phí... Việc công chiếu rộng rãi để có doanh thu như Đào, Phở và Piano có lẽ sẽ không xảy ra (!)
Một trong những lý do khiến việc đưa Bà già đi bụi ra rạp không khả thi là do chưa có cơ chế về chia tỷ lệ phần trăm cho phát hành phim Nhà nước đặt hàng, rạp chiếu và đơn vị sản xuất. Nghịch lý là phim càng kéo dài thời gian chiếu rạp, doanh thu càng cao thì đội ngũ phục vụ lại càng vất vả, nhưng không được trích lại lợi nhuận. Trong khi với các phim do tư nhân sản xuất thì tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và chủ rạp là 55 - 45 hay 50 - 50…, tùy theo thỏa thuận.
Thời gian qua, nhiều tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng đang tiệm cận nhu cầu, tâm lý khán giả đương đại. Tuy nhiên, vướng mắc cơ chế cũng đang khiến cho cơ hội được thưởng thức những tác phẩm giá trị, mang nhiều thông điệp nhân văn, ý nghĩa như Bà già đi bụi vẫn chỉ là một cánh cửa rất hẹp. Khẳng định câu chuyện phát hành phim Nhà nước không hề đơn giản, theo Cục trưởng Vi Kiến Thành, việc này phải đợi Nghị định về Phát hành phổ biến phim sử dụng ngân sách Nhà nước được ban hành.