Trung Quốc nhập khẩu trở lại thanh long và chuối của Việt Nam Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi công thư cho Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc và Tỉnh trưởng tỉnh Vân Nam |
Theo thống kê của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, 8 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả sơ bộ đạt 2.497 triệu USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ 2020. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 1,329 triệu USD, chiếm 58,02% thị phần.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc giảm tốc |
Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho hay, từ tháng 5/2021 đến nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đã liên tục giảm, trung bình mỗi tháng giảm 15%.
Ngoài nguyên nhân là do tác động nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19 với các biện pháp phòng chống mạnh mẽ nhất làm cho việc sản xuất, lưu thông hàng hóa bị khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, còn có khó khăn tại các cửa khẩu đường bộ.
Cụ thể, từ tháng 5/2021 do 8 mặt hàng rau quả Việt Nam xuất khẩu chính ngạch, trước đây chưa được ký Nghị định thư chính thức về kiểm dịch thực vật với Trung Quốc nên Trung Quốc đã áp dụng thực hiện việc kiểm dịch thực vật rau quả nghiêm ngặt hơn trước (gần như 100% lô hàng) bên cửa khẩu của Trung Quốc. Việc này làm cho việc giao hàng bị kéo dài, chậm trễ; xe tải ứ đọng tại các cửa khẩu biên giới khá lâu.
Nếu như trước đây 1 xe lạnh thanh long từ biên giới Việt Nam vào địa phận tỉnh Quảng Tây chỉ 2-3 ngày, nay kéo dài hơn 1 tuần làm chí phí vận chuyển tăng cao gấp đôi (từ 50 triệu/ xe tăng lên hơn 100 triệu) gây thiếu xe để quay đầu chở hàng, làm tăng thêm giá thành hàng hóa khó cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc và của các nước khác.
Điều đáng lo ngại là giữa tháng 7/2021, Trung Quốc đã tạm ngừng nhập khẩu thanh long tại các cửa khẩu Hà Khẩu và Thiên Bảo thuộc tỉnh Vân Nam với lý do hàng hóa Việt Nam nghi nhiễm virus Covid, góp phần làm thanh long trong nước rớt giá mạnh. Mặc dù các bộ ngành và các địa phương đã tích cực làm việc với phía Trung Quốc nhưng những sự việc như vậy vẫn tiếp tục xảy ra đã gây thiệt hại không nhỏ cho kinh tế Việt Nam nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Phúc Nguyên, thanh long xuất khẩu bằng đường biển đi Trung Quốc không gặp những vấn đề khó khăn như vậy tại các cảng đến của Trung Quốc. Hàng container chỉ gặp khó do thiếu container lạnh, giá cước cao và kiểm dịch thực vật ở cảng Việt Nam lại khó hơn.
Cũng như thanh long, các mặt hàng khác như chuối, xoài, nhãn… hiện nay gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc là do trùng thời vụ với hàng nội địa Trung Quốc với sản lượng càng ngày càng tăng do nông dân Trung Quốc gia tăng diện tích trồng rất nhanh (nhất là thanh long ruột đỏ, nhãn), giá bán ra giảm. Hiện, việc xuất khẩu thanh long ruột đỏ rất yếu do Trung Quốc trồng rất nhiều loại này và chất lượng ngày càng ngon.
Mặt khác, nhiều công ty Trung Quốc đầu tư trồng trọt sản phẩm cùng loại nhiều tại Thái Lan, Campuchia, Lào… nên họ ưu tiên đem sản lượng đã đầu tư về Trung Quốc tiêu thụ tạo sự cạnh tranh với hàng Việt Nam.
Ngoài ra, rau quả Việt còn chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng và mẫu mã với hàng cùng loại của Thái Lan, Campuchia… Chính vì vậy, các thương gia Trung Quốc không có hoặc lãi ít khi nhập và bán hàng từ Việt Nam (nhất là giá cước xe vận chuyển tăng cao như hiện nay, thời gian thông quan hàng lâu, phẩm chất bị giảm sút…).
Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị, cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các phương tiện giao thông vận tải để giải tỏa ùn ứ sản phẩm hàng hóa từ các vùng sản xuất đến nơi tiên thụ, đến các kho xưởng, nhà máy chế biến, sản xuất, giao hàng đến các bến bãi, cảng biển để xuất khẩu. Cấp giấy phép đi đường nhanh chóng thuận lợi cho các đối tượng là cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy đóng gói rau quả xuất khẩu tập trung, cán bộ, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa... tại cảng và các cửa khẩu. Tạo điều kiện nhanh, thuận lợi giao hàng cho các mặt hàng dễ hư hỏng như nhãn, xoài, thanh long tại các cửa khẩu đường bộ, đường biển…
Ngoài đối tượng ưu tiên tuyến đầu cần tăng độ phủ vắc xin phòng Covid tối đa cho các lao động trong sản xuất, thu hái, đóng gói hàng rau quả xuất khẩu để đảm bảo đủ nhân công hoạt động....
Để nâng sức cạnh tranh, ông Đặng Phúc Nguyên cũng đề nghị miễn giảm phí BOT cho các xe tải chở hàng rau quả xuất khẩu cho Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh của năm 2021 và 2022.
Về dài hạn, ông Đặng Phúc Nguyên kiến nghị, cần sớm tổ chức đàm phán ký kết nghị định thư về kiểm dịch thực vật với phía Trung Quốc cho 8 mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch nhằm giúp giảm bớt thời gian xe đợi thông quan, giảm giá thành vận chuyển đường bộ, tăng thời gian quay vòng xe đáp ứng sản lượng sẽ tăng sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19. Tổ chức sản xuất nguyên liệu theo quy hoạch, điều tiết quy mô, tốc độ tăng trưởng phù hợp. Không tăng sản lượng các mặt hàng rau quả có nguồn cung cao tại thị trường Trung Quốc như thanh long, (nhất là thanh long ruột đỏ), chuối, nhãn…Tổ chức, chỉ đạo sản xuất theo nhu cầu thị trường, đảm bảo sản phẩm sản xuất ra phải phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc (tiêu chuẩn VietGap...), tăng cường sản xuất trái vụ với hàng nội địa Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm phải từng bước cải tiến vượt trội về giống, vệ sinh an toàn thực phẩm để cạnh tranh được với hàng các nước xung quanh và nội địa Trung Quốc.
Chính phủ tranh thủ các cuộc gặp gỡ với các viên chức cấp cao Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn ách tắc tại cửa khẩu biên giới và đàm phán thúc đẩy mở rộng thêm thị trường cho các mặt hàng rau quả khác mà Việt Nam có thế mạnh như sầu riêng, chanh dây, bơ, dừa… Đây là cách mà Campuchia đã và đang thực hiện để mở cửa cho xoài, chuối trong năm nay, và sắp tới là nhãn, thanh long… xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất đối với nhà đầu tư để phục hồi và phát triển sản xuất. Tạo dựng chuỗi cung ứng, tiêu thụ bền vững.