Sau 5 lần dự thảo, Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được trình lần đầu tiên để Quốc hội Khóa 13 thảo luận tại kỳ họp thứ 8. Trước khi trình Quốc hội, bản dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp,… Bản dự thảo cũng đã được Chính phủ xem xét, có ý kiến và được Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội xem xét nhiều lần và đưa ra báo cáo thẩm định trình trước Quốc hội.
Trao đổi tại buổi Hội thảo, PGS.TS Nguyễn An Lương, Chủ tịch Hội KHKT ATVSLĐ Việt Nam cho rằng, việc dự thảo luật ATVSLĐ mở rộng đối tượng áp dụng Luật đến cả những người lao động không có quan hệ lao động (lao động khu vực phi chính thức, lao động cá thể nông dân, diêm dân…) là hết sức hợp lý.
Theo thống kê dân số và lao động quý II/2014 thì lao động không có quan hệ lao động chiếm khoảng 64,8% tổng số lao động, tức khoảng 35 triệu người. Vì vậy, việc Luật ATVSLĐ đưa vào diện đối tượng áp dụng là rất hợp lý, có một ý nghĩa to lớn, thể hiện quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với đối tượng đông đảo này. Đây cũng là một trong những lý do quan trọng về sự cần thiết phải ban hành Luật ATVSLĐ.
Hội thảo đã thảo luận và cho ý kiến về sự cần thiết đưa thêm những mục riêng. Cụ thể, mục mới này đề cập đến những quy định riêng cho đối tượng nói trên, còn những quy định nào liên quan đến cả 2 đối tượng (có và không có quan hệ lao động) thì để chung như bình thường.
Về các chính sách cụ thể của Nhà nước đối với đối tượng không có quan hệ lao động đề nghị nên có quy định rõ ràng, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực mà nhà nước có trách nhiệm và các chính sách đó có tính khả thi cao, trước hết là thông tin tuyên truyền, phổ biến huấn luyện pháp luật và kiến thức về ATVSLĐ.
Hội thảo cũng đã đưa ra kiến nghị nhà nước có thể tổ chức các trung tâm huấn luyện ATVSLĐ miễn phí riêng cho người lao động không có quan hệ lao động. Ở đây chỉ huấn luyện những vấn đề cơ bản và phổ quát nhất về ATVSLĐ, còn với những ngành nghề chuyên sâu, những công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ thì người lao động không có quan hệ lao động phải tự bỏ kinh phí để tham dự các lớp huấn luyện chuyên đề./.
Tin và ảnh: Mai Đan