Quảng cáo thi hộ công khai trên facebook |
“Thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ, thanh toán khi biết điểm, Ilets- Pte- Toeic”,thời gian gần đây hễ cứ vào facebook là tôi lại bắt gặp cái quảng cáo nói trên với thông tin rất “gợi cảm” nhảy ra trước mắt, gắn với nó là số lượt like, thả tim lên tới hàng ngàn; số lượt share lên tới hàng chục, và lượt bình luận đạt tới vài trăm… Không cần học nhức đầu, mất thời gian mà chưa chắc đã vô chữ, chỉ cần bỏ ra ít tiền là có bằng, “đủ chuẩn” để mưu đồ “việc lớn”, hẳn trong xã hội luôn có một bộ phận có nhu cầu nên mới có kẻ cung như vậy.
Chợt nhớ dạo còn phải cắp cặp học hết lớp này đến lớp kia, anh em bạn bè đi trước từng tiết lộ ở trường nọ, học viện kia, nếu muốn thì cứ bỏ tiền ra mà thuê hoặc mua, bất kể thứ gì, khóa luận, tiểu luận, luận án các kiểu, có tất. Cứ ra các quầy photocopy, bán văn phòng phẩm xung quanh trường, viện là có thể dễ dàng hỏi được. Thoạt tiên tôi không tin, có lẽ thiên hạ phịa ra chứ làm gì có chuyện ngụy tặc như thế. Nhưng hóa ra chuyện “Chợ” luận văn, tiểu luận…là có thật, được phanh phui trên nhiều tờ báo. Thật là kinh hãi, nhưng dù sao vẫn thấy còn có chút… an ủi bởi người làm “dịch vụ” lúc ấy còn có chút tế nhị, lưu hành theo kiểu sang tai mách miệng chứ chưa thấy trưng bảng quảng cáo công khai. Còn bây giờ người ta trưng quảng cáo, không chỉ ngay cửa hàng cửa hiệu của họ mà tung lên mạng cho cả thế giới cùng biết, càng nhiều người biết càng tốt. Táo tợn và thách thức đến thế là cùng!
Sự trường tồn của những tấm Bia Tiến sĩ (Văn Miếu Hà Nội) khẳng định truyền thống hiếu học của dân ta |
Nhân cái quảng cáo “Thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ…” nói trên, lại nhớ cách đây không lâu, trên mạng xã hội cũng xuất hiện nhan nhản loại quảng cáo cấp bằng lái ô tô. Theo đó, không cần học, không cần thi, chỉ cần có tiền là có bằng, đủ các loại theo nhu cầu. Bên “cấp bằng” đảm bảo “bao test”, cho dù cảnh sát hay thanh tra giao thông có soi cũng không phát hiện giả (gián tiếp khẳng định đó là bằng thật, phôi thật, chỉ có học/thi là giả (?!)). Đọc mà thấy rợn cả gai ốc bởi thấy người ta xem thường tính mạng của đồng loại quá thể. Sau đó, thấy cơ quan chức năng có vào cuộc, phanh phui, bắt, xử lý một số vụ. Tưởng như thế cũng đủ để làm gương, nhưng với cái việc công khai mời chào thi hộ chứng chỉ ngoại ngữ đang “tung hoành” trên mạng hiện nay, xem chừng sức răn đe từ những vụ bị xử lý là không ăn thua, mới đụng phần ngọn chứ chưa bóc gỡ được gốc rễ của loại hình tội phạm này.
Văn miếu Huế |
Phàm cái gì đã dổm thì đều không thể tin tưởng và sớm muộn cũng sẽ bị xã hội phát hiện, tẩy chay. Ấy là mới nói những cái dổm …bình thường. Còn học hành, thi cử mà dổm là hiểm họa cho quốc gia xã tắc, cho nên, ngay từ xa xưa, loại này thuộc hàng trọng tội, bị xử phạt rất nghiêm, thậm chí còn bị mất đầu như bỡn. Phạm Đình Hổ (1768-1839) trong tác phẩm Vũ trung tùy bút (VTTB) của mình có nói đến sự nghiêm mật của chuyện thi cử thời Lê Trung hưng như sau: “Khảo quan mà dụng tình riêng lấy đỗ, cứ phép trị tội nghiêm. Xem như Tào Sơn, Lương Nghi, Lam Sơn, Nguyễn Văn Bằng đều vì tư túi về việc thi mà phải tội đồ (bị đi đày- NV); Ngô Sách Dụ, Sách Tuân ở Tam Sơn cũng vì việc thi gian mà phải tội giảo (thắt cổ- NV)…” (VTTB; tr 83; NXB Trẻ-1989). Nhiều vụ án liên quan thi cử khác cũng được sách vở ghi lại và lưu truyền đến bây giờ như vụ Lê Quý Kiệt, con trai nhà bác học Lê Quý Đôn trong khoa thi Hội năm 1775, thời vua Lê Hiển Tông đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông. Hay một vụ nữa rất nổi tiếng bởi có liên quan đến "thần Siêu, thánh Quát". Năm 1841 (Tân Sửu, Minh Mạng thứ 21), kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, do tiếc cho những bài làm xuất sắc nhưng lại “phạm húy” nên đã ngầm lấy muội đèn làm mực, chữa 24 quyển thi của học trò, sau đó đỗ được 5 người. Quyển thi của Trương Đăng Trinh, là cháu của đại thần Trương Đăng Quế, nhẽ ra bị đánh hỏng thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan nội trường cho đỗ. Sự kiện vỡ lở và bị tra xét. Cao Bá Quát, Phan Nhạ bị khép tội xử tử, nhưng sau đó được tha cho đổi thành giảo giam hậu (do xét thấy 2 người này không vì tư tình mà chỉ là tiếc người tài cho xã tắc). Nguyễn Văn Siêu bị tội đồ (đi đày) và phạt trượng nhưng sau xét lại chỉ bị cách chức…
Hiền tài Quốc gia chi nguyên khí (Hiền tài là nguyên khí của Quốc gia)- Dòng chữ vàng này được tôn trí trang trọng tại các khu Văn miếu trên cả nước. Nguyên khí muốn có thì không thể chấp nhận gian lận trong học hành, thi cử. |
Nghiêm khắc như thế mà thỉnh thoảng vẫn xảy ra vụ này vụ kia, nay coi chuyện thi cử, bằng cấp như là một thứ dịch vụ bình thường, quảng cáo làm gian, làm dổm công khai không một tí kiêng dè. Vậy thì quá thể “thậm nguy”. Các cơ quan hữu trách rất cần phải nghiên cứu để có “cách đánh” hiệu quả hơn, tham mưu mức chế tài nghiêm khắc hơn để nạn “thi hộ”, “bằng thật-học giả, thi giả” -cho dù ở bất cứ lĩnh vực gì- cũng phải được ngăn chặn triệt để, càng sớm càng tốt. Vì sự nghiêm minh của luật pháp, vì tương lai phát triển, văn minh của đất nước, đã đến lúc không thể lơ là, nương tay với loại tội phạm này.