Yêu cầu tăng cường dạy học qua internet, truyền hình | |
Đa dạng hình thức học tập tại nhà mùa dịch Covid-19 | |
Kiến nghị học đại trà qua các kênh truyền hình trong mùa dịch |
Đánh giá qua các bài kiểm tra
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, với việc công nhận kết quả đánh giá thường xuyên, Bộ GD&ĐT quy định, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet.
Với học trên truyền hình, giáo viên sử dụng các hình thức phù hợp để kiểm tra, đánh giá kết quả.
Giáo viên khi dạy học trên internet cần tổ chức các hoạt động như thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên. |
Theo ông Thành, kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên này được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua internet, trên truyền hình, bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.
“Khi học sinh đi học trở lại, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình. Cơ sở thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông", ông Thành nhấn mạnh.
Đối với cả hai hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình, khi học sinh đi học trở lại, theo quy định của Bộ GD&ĐT, giáo viên có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức học sinh đã học qua các hình thức này. Từ đó, giáo viên tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo.
Học sinh tham gia học tập qua internet, trên truyền hình cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao, nộp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập để thầy cô nhận xét, đánh giá.
Linh hoạt hình thức
Với hướng dẫn nêu trên của Bộ GD&ĐT, một số ý kiến của phụ huynh cho rằng cho biết việc kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh qua hình thức trực tuyến để đảm bảo khách quan là rất khó.
Cụ thể, nếu để học sinh làm bài kiểm tra ở nhà, các em có thể nhờ người khác làm giúp, tìm kết quả trên mạng hay sao chép đáp án từ bạn bè.
Trao đổi với phóng viên, một giáo viên trường THPT Anhxtanh Hà Nội cho biết, có nhiều hình thức để đánh giá học sinh như cho giáo viên giao bài tập, học sinh làm trên giấy, sau đó chụp bản giấy để thầy cô nhận xét hoặc giáo viên đưa ra bài tập ngay trên màn hình máy tính, truyền hình để học tự trả lời.
Bên cạnh đó, theo giáo viên này, thầy cô cũng có thể giao các bài tập nhóm cho học sinh triển khai, sau đó căn cứ vào kết quả đó để đánh giá khả năng tiếp thu bài của học sinh.
Tuy nhiên, theo ý kiến của giáo viên THPT Anhxtanh Hà Nội, những đánh giá này chỉ có tính chất “tham khảo” bởi sau đó khi quá trình học tập trực tiếp diễn ra, giáo viên sẽ đánh giá học sinh bằng các bài kiểm tra trực tiếp.
Đồng quan điểm thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Toán, Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng, việc đánh giá học sinh trong quá trình học online chỉ có tác dụng hỗ trợ, hướng dẫn học sinh trong việc làm bài, cung cấp các kỹ năng cần thiết chứ không ghi ghép sổ sách để đánh giá chính thức.
Theo thầy Tùng, các giáo viên có nhiều cách để đánh giá học sinh như giao bài kiểm tra, học sinh gửi bài đã làm vào hộp thư điện tử cho giáo viên. Giáo viên cũng có thể kiểm tra kiến thức học sinh đã qua các bài trắc nghiệm, khi đó học sinh sẽ làm bài trực tiếp trên ứng dụng Google form.
“Ngoài giảng dạy theo nhóm lớn, qua ứng dụng trực tuyến như Room, giáo viên cũng có thể kết nối riêng với từng học sinh hoặc nhóm nhỏ một vài học sinh còn thiếu hụt kiến thức để có hướng dẫn kịp thời”, thầy Tùng nói.