Đây chính là điều kiện quan trọng để mọi người dân được bảo đảm bình đẳng trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn đã có cuộc trao đổi với Báo BHXH về vấn đề này.
* PV: Theđổimạnhmẽvềtưduychínhsákết quả aff cupo Phó Tổng Giám đốc, tính đến thời điểm này, quá trình thực hiện chính sách BHYT đã đạt được những thành tựu nào đáng chú ý nhất?
‐ Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn: Thành công đầu tiên trong thực hiện chính sách BHYT ở nước ta chính là cơ chế, hành lang pháp lý về BHYT cơ bản được hoàn thiện. Bên cạnh Luật BHYT được Quốc hội thông qua năm 2008 và được sửa đổi, bổ sung năm 2014, còn có rất nhiều văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước liên quan đến vấn đề này.
Ở khía cạnh “bao phủ”, cả 3 yếu tố bảo đảm sự thành công của chính sách BHYT (gồm tỷ lệ người tham gia, giảm chi từ tiền túi của người bệnh và gói quyền lợi của người tham gia BHYT) đều đã và đang được hiện thực hóa với kết quả rất tích cực. Dự kiến, đến hết tháng 6/2020, cả nước có 85,428 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Đây là con số đáng ghi nhận so với con số 52,4 triệu người (tương đương 60% dân số) tham gia BHYT vào năm 2010. Với kết quả này, mục tiêu đến hết năm 2020 đạt trên 90,7% dân số tham gia và đến năm 2025 có trên 95% dân số tham gia BHYT có thể đạt được.
Chính sách BHYT đã góp phần giảm chi trực tiếp từ tiền túi người dân cho dịch vụ y tế xuống còn 37% vào năm 2018, góp phần tạo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, nhất là với nhóm người nghèo, cận nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Luật BHYT hiện hành quy định gói quyền lợi của người tham gia BHYT rất rộng, bao phủ hầu hết các dịch vụ y tế mà ngành Y tế có thể cung cấp. Việt Nam cũng thuộc số ít nước mà quỹ BHYT chi trả cả cho việc điều trị các bệnh hiếm...
Việc tiếp cận dịch vụ KCB của người tham gia BHYT ngày càng thuận lợi, do số cơ sở y tế ký hợp đồng KCB BHYT tăng hằng năm; cùng với đó là việc nâng cao chất lượng KCB và chính sách “thông tuyến”. Ngành BHXH cũng chủ động, tích cực cải cách TTHC trong lĩnh vực BHYT như: Ứng dụng CNTT trong khai báo, lập danh sách, tổ chức đại lý, thanh toán trực tiếp chi phí, phản hồi, cung cấp thông tin… đáp ứng sự hài lòng của người bệnh cũng như góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong việc lựa chọn giải pháp chăm lo sức khỏe cho bản thân.
* Nguồn quỹ BHYT an toàn và sử dụng hợp lý là điều kiện quan trọng để thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Phó Tổng Giám đốc đánh giá thế nào về thực trạng sử dụng quỹ KCB BHYT hiện nay?
‐ Cùng với tỷ lệ người tham gia BHYT ngày càng tăng, quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính chủ yếu phục vụ công tác KCB tại các BV. Năm 2015‐ năm đầu tiên Luật BHYT năm 2014 có hiệu lực, cả nước có khoảng 130 triệu lượt KCB BHYT, với chi phí đề nghị quỹ BHYT thanh toán khoảng 50.000 tỷ đồng. Năm 2018 tăng lên 176,5 triệu lượt với chi phí 95.081 tỷ đồng. Năm 2019 tăng lên 184,5 triệu lượt với chi phí 104.443 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2020, quỹ BHYT đã thanh toán cho trên 76,45 triệu lượt với chi phí trên 45.497 tỷ đồng...
Những con số này thể hiện sự quan tâm của người dân đối với chính sách BHYT và ý nghĩa của chính sách đối với người dân. Tuy nhiên, cũng cho thấy vấn đề đáng lo ngại trong việc đảm bảo an toàn quỹ, khi từ năm 2016 đến nay, năm nào quỹ BHYT cũng bội chi. Sự gia tăng chi phí KCB BHYT do nhiều nguyên nhân: Điều chỉnh giá dịch vụ y tế, mức đóng BHYT thấp nhưng quyền lợi mở rộng… Đáng nói, “nóng” nhất là vẫn còn tình trạng lạm dụng, sử dụng quá mức cần thiết dịch vụ y tế, thậm chí trục lợi quỹ KCB BHYT.
Chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, tạo dựng niềm tin của người dân |
Có thể nói, chúng ta vẫn chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và mức đóng, nhất là chưa có giải pháp kiểm soát, chống lạm dụng khi mở rộng quyền lợi hưởng. Hiện nay, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán hơn 18.000 dịch vụ kĩ thuật, hơn 1.000 thuốc hóa dược, sinh phẩm nhưng rất ít dịch vụ, thuốc trong số này có quy định điều kiện, tỷ lệ thanh toán. Quy định người bệnh được hưởng quyền lợi không cùng chi trả khi tham gia BHYT 5 năm liên tục cũng làm mất cơ chế cùng kiểm soát chi phí KCB BHYT. Quy định thông tuyến dẫn đến việc một số cơ sở y tế tìm cách thu hút người dân đến KCB hoặc người có thẻ BHYT đi khám nhiều lần trong ngày, trong tuần, trong tháng tại nhiều cơ sở y tế...
Trong khi đó, chúng ta lại thiếu chế tài xử lý những cơ sở y tế vi phạm hợp đồng KCB BHYT; chưa có quy định kiểm soát việc sử dụng thuốc biệt dược gốc hoặc cơ chế chi trả BHYT đối với thuốc biệt dược gốc, khiến tỷ lệ chi từ quỹ BHYT cho thuốc này hiện chiếm tới 31%. Nhiều thuốc biệt dược gốc hết hạn bản quyền nhưng vẫn có giá cao gấp nhiều lần so với thuốc generic nhóm 1, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh và khả năng chi trả của quỹ. Phương thức thanh toán theo giá dịch vụ cũng “khuyến khích” cơ sở KCB tăng chỉ định dịch vụ kĩ thuật, dẫn đến gia tăng chi phí và trục lợi quỹ từ phía cơ sở KCB cũng như người tham gia BHYT...
* Chủ đề của Ngày BHYT Việt Nam năm nay là “Thực hiện nghiêm Luật BHYT, hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Theo Phó Tổng Giám đốc, chúng ta cần có những điều kiện và giải pháp như thế nào để thực hiện hiệu quả chính sách BHYT?
‐ Bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là khát vọng, thể hiện tính ưu việt, công bằng của Đảng và Nhà nước ta. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, để đạt được mục tiêu này, không có cách nào khác là phải phát triển BHYT bền vững, với 2 yêu cầu rất cơ bản. Một là, phải bao phủ BHYT toàn dân, để không ai phải đi KCB mà không có BHYT. Hai là, phải bảo đảm bền vững về tài chính‐ đây là vấn đề rất quan trọng với Việt Nam, khi tình trạng bội chi quỹ BHYT vẫn đang tiếp diễn.
Trước những bất cập của Luật BHYT năm 2014, Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật BHYT (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội, đảm bảo phù hợp với tình hình mới. Dự kiến, dự án luật này sẽ có những cách tiếp cận mới như: Hạn chế sự “bao cấp”, tăng trách nhiệm của người dân trong việc tham gia BHYT và cùng kiểm soát chi phí KCB; phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT… Tuy nhiên, để mọi người dân được hưởng quyền an sinh về BHYT, điều kiện quan trọng nhất là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị phải tương xứng với vai trò quan trọng của chính sách này; cũng như ý thức của người dân, cơ sở y tế về ý nghĩa của việc tham gia BHYT, giám sát và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT.
Do vậy, thời gian tới, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; đồng thời phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp, các đoàn thể chính trị‐ xã hội trong việc thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân. Đặc biệt, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân, đơn vị, DN hiểu rõ lợi ích và trách nhiệm của mình, để từ đó chủ động tham gia BHYT. Bên cạnh đó, ngành Y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong KCB BHYT, kịp thời cập nhật dữ liệu lên Cổng giám định BHYT điện tử nhằm minh bạch trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT…
Với vai trò là cơ quan thực hiện chính sách BHYT, ngành BHXH cũng cần đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao tinh thần phục vụ, đổi mới công tác giám định... Đồng thời, tăng cường chỉ đạo công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật BHYT; kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật BHYT.
* Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
(Theo Baohiemxahoi)