(CMO) Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ bị đuối nước, nhưng chủ yếu là do trẻ không biết bơi, hoặc do phụ huynh lơ là trong việc chăm sóc con cái, để trẻ vui chơi nơi sông rạch, ao hồ khi chưa trang bị cho trẻ những kiến thức tự bảo vệ bản thân trước nguy hiểm.
Thực tế cho thấy, mặc dù các ngành, các cấp đặc biệt quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ và bảo vệ trẻ tránh những tai nạn thương tích, tuy nhiên, công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ vẫn đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Khi trẻ được tự do vui chơi thì việc “tụ tập” tắm sông, ao mà không có sự trông coi của người lớn là việc khó tránh khỏi.
Nhiều bậc phụ huynh đưa con đến hồ bơi công cộng vào dịp hè để tập bơi. |
Hiện nay, đa phần các bể bơi và các khoá học bơi đều tập trung tại các trung tâm thành phố, hơn nữa việc dạy bơi, rèn luyện các kỹ năng phòng tránh đuối nước miễn phí cho trẻ em chưa triển khai đồng bộ và thường xuyên.
Chị Võ Ngọc Tuyền, Phường 9, TP Cà Mau, chia sẻ: “Nhà có hai cháu nhưng chưa đứa nào biết bơi cả, đứa lớn năm nay học lớp 12 nên tôi khá e dè khi cho con đi chơi xa, nhất là những vùng ven biển, hoặc những nơi bắt buộc phải đi phà, đò…”.
Nhận thấy việc dạy cho trẻ biết bơi và trang bị những kỹ năng cần thiết liên quan đến phòng chống tai nạn thương tích, nhất là đuối nước rất quan trọng. Tại các trường, ngoài những bộ môn vận động sức khoẻ, bơi lội đã được đưa vào môn thể dục chính thống. Thầy Mã Anh Dũng, Tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Nguyễn Tạo, chia sẻ: “Các em sẽ được học bơi trong bộ môn thể dục, ngoài ra trường còn tổ chức các lớp dạy bơi vào mùa hè để các em có thể vừa rèn luyện sức khoẻ, vừa vui chơi giải trí. Thông qua các tiết bơi lội, nhà trường đã phát hiện ra nhiều tài năng triển vọng tiếp tục bồi dưỡng để tham gia các giải tại hội khoẻ Phù Đổng”.
Lo lắng về nạn đuối nước ở trẻ nên chị Mai Thuý Ngân, Phường 9, TP Cà Mau tranh thủ tập bơi cho con mỗi dịp hè về. “Cứ 2 buổi/tuần tôi chở con đến hồ bơi để tập bơi cũng như giải trí. Hầu như mọi trẻ đều tỏ ra thích thú khi được ba mẹ chở đi bơi, mặc dù tại trường có dạy bơi nhưng tự mình trông con sẽ yên tâm hơn”.
Trái ngược với chị Ngân, chị Nguyễn Thị Loan, Phường 5, TP Cà Mau, tỏ ra khá dè chừng khi cho con đi bơi tại các hồ bơi công cộng: “Mặc dù cho con tập bơi là việc rất cần, nhưng tại các bể bơi công cộng không được đảm bảo vệ sinh vì nhiều người cùng tắm, da bé nhạy cảm nên tôi hạn chế cho bé đi bơi”.
Có thể thấy, việc dạy cho trẻ biết bơi, tự trang bị cho mình những kỹ năng cần có liên quan đến phòng chống đuối nước là việc làm thiết thực hiện nay, cần được thực hiện nhanh chóng. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên lơ là hay ỷ lại vào việc chăm sóc con cái, phải hết sức nâng cao ý thức trong việc quản lý, không để các con tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi cùng.
Mặt khác, nhà trường cần theo sát và phối hợp với phụ huynh để thắt chặt việc đi lại, vui chơi, học tập của trẻ, tránh để tình trạng học sinh viện cớ học hè, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hoặc đến gần những nơi vui chơi có thể gây nguy hiểm.
Để phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hạn chế số ca tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự chung tay, phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường./.
Ngô Nhi